Facebook - 'Thiên đường' buôn lậu của IS
Sau hơn 15 năm tồn tại, Facebook đã rất thành công trong sứ mệnh đưa thế giới đến gần nhau hơn: Nó đã kết nối bạn bè và gia đình trên toàn cầu, nhưng đồng thời cũng gắn kết và trao quyền cho các mạng lưới tội phạm, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chuyện của Al Mohamad
Adnan Al Mohamad là nhà khảo cổ người Syria, sống cùng vợ và các con ở Manbij, một vùng nông thôn ngoại ô Aleppo. Đó là nơi tuyệt đẹp với những con đường La Mã cổ đại chạy xuyên qua đất nông nghiệp, từng là tuyến đường thương mại toàn cầu, những ngọn đồi trồng lúa mạch, ô liu và sung, những mặt hàng xuất khẩu chính của Syria. Bên dưới lớp đất màu mỡ là các hiện vật cổ đại có lịch sử lâu đời như đồ khảm Byzantine, tượng các nữ thần Hittite, tượng bán thân, lăng mộ La Mã chứa đầy tiền vàng…
Một ngày nọ, Al Mohamad phát hiện có những cái hố trên những ngọn đồi - dấu hiệu của những kẻ cướp mộ. Ông tự trấn an mình rằng dù các hiện vật có giá trị văn hóa to lớn nhưng chúng không có giá trị nhiều trên thị trường. Thí dụ, 1 bức tranh khảm chỉ có giá 15USD, vì vậy việc khai thác, vận chuyển và bán nó với giá đó không đáng để những kẻ cướp mộ gặp rủi ro. Tuy nhiên, khi điều tra các con mương, ông thấy rằng các cổ vật thực sự đã biến mất.
Khi cuộc nội chiến leo thang ở Syria, IS chuyển đến và tuyên bố Manbij là một phần Vương quốc Hồi giáo của nó. Năm 2014, gia đình Al Mohamad chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi ông ở lại. Trong nhiều tháng, ông đã thiết lập mạng lưới gồm khoảng 100 người cung cấp thông tin khắp khu vực, những người này đã cho ông biết ai đang đào các cổ vật và ở đâu. Thông qua mạng lưới này, ông bắt đầu biết được những gì đang diễn ra. Đó là những kẻ cướp mộ đang tìm kiếm người mua ở nước ngoài, những người sẵn sàng trả giá cắt cổ cho cổ vật bị cướp. Họ đang sử dụng trang web có tên Facebook.
Trước chiến tranh, Al Mohamad hầu như không thấy ai sử dụng Facebook. Nhưng khi các cuộc xung đột leo thang, người dân Trung Đông chuyển sang sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Từ năm 2011-2017, người dùng ở Syria đã tăng 1.900%. Trong thời gian này, IS tìm kiếm nhiều cách để tài trợ cho chính phủ tự xưng của mình. Aleppo không có nhiều dầu mỏ và việc vận hành cơ sở dân quân rất tốn kém. Vì vậy, IS đã mở rộng các nguồn doanh thu, bao gồm việc khai thác các nguồn dự trữ văn hóa -hiện vật của Syria, rồi thành lập Bộ Cổ vật để quản lý quá trình này và đánh thuế những kẻ cướp mộ 20% trên tất cả giao dịch bán.
Sự tiếp tay của Facebook
Trên Facebook, IS đã tìm thấy nơi hoàn hảo để bán chiến lợi phẩm của mình. Nhờ Facebook, những kẻ cướp mộ có thể tiếp cận mạng lưới rộng lớn gồm những người buôn bán và thu gom rủng rỉnh tiền ở Mỹ, Pháp, Dubai và nhiều nơi khác. Al Mohamad cho biết bức tranh khảm được bán với giá 15USD ở Syria có thể thu về hơn 35.000USD từ người mua trên Facebook, các hiện vật khác có thể bán với giá hàng trăm ngàn USD. Do Facebook không cấm bán các hiện vật lịch sử trên trang web của mình, hầu như không có gì ngăn IS phá hủy các di sản thế giới của UNESCO và lục soát các bảo tàng.
Đến năm 2014, IS đã biến Facebook thành cửa hàng tổng hợp tích hợp theo chiều dọc dành cho các mặt hàng bị cướp. Đây không chỉ là nơi tốt nhất để bán chúng, còn là nơi tốt nhất để nghiên cứu và xác minh tính xác thực của một hiện vật, đánh giá giá trị của nó và tuyển dụng, đào tạo những kẻ cướp mộ, buôn lậu mới trong và ngoài Syria. Cướp mộ nhanh chóng trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của IS ở các vùng như Aleppo, cũng là một trong những lựa chọn việc làm duy nhất cho những cư dân bị mắc kẹt trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát.
Al Mohamad đã dành 8 năm để ghi lại các vụ cướp mộ, với hy vọng cuối cùng sẽ thuyết phục được Facebook thay đổi chính sách và cấm bán các hiện vật lịch sử trên nền tảng của mình. Điều này rất nguy hiểm, vì IS thường xuyên treo tiền thưởng trên Facebook cho đầu những người chúng nghi ngờ có hành vi tương tự. Khi phát hiện giám đốc cổ vật của Palmyra, Khaled al-Assad, đã giấu các hiện vật trong bảo tàng để bảo vệ chúng, IS đã chặt đầu ông ta.
Những nhà điều tra bất đắc dĩ
Al Mohamad lo lắng Syria sẽ mất các cổ vật của mình mãi mãi. Vì vậy, ông đã thu thập dữ liệu và bằng chứng, lưu trữ nó vào một thẻ nhớ được giấu kỹ trong nhà mình. Cứ vài tháng trong hơn 3 năm qua, ông mang nó vượt qua 5 trạm kiểm soát của IS đến Jarablus, ngôi làng của Syria bên bờ sông Euphrates, cách Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 1km. Tại đó, ông dùng chiếc điện thoại di động của Thổ Nhĩ Kỳ để gửi tất cả hồ sơ cho vợ mình, người đang sống ngay bên kia biên giới. Sau đó, ông xóa thẻ nhớ và lái xe trở lại Manbij. Sau đó, vợ ông sẽ chuyển các tập tin đến Portsmouth, Ohio (Mỹ), cho người đàn ông tên Amr Al-Azm, cựu Giám đốc bảo tồn tại Bộ Cổ vật và Bảo tàng Syria.
Al-Azm vốn là người Syria, ông đang sống lưu vong, di chuyển giữa Ohio, Istanbul và Gaziantep, một thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, nơi ông dẫn đầu nỗ lực chưa từng có để theo dõi nạn buôn bán cổ vật. Ông tập hợp một nhóm cơ sở gồm các nhà hoạt động Syria, huấn luyện họ tiến hành những can thiệp để bảo quản hiện vật khẩn cấp, thông qua Sáng kiến Bảo vệ Di sản Ngày sau, do ông đồng sáng lập vào năm 2012.
Trong văn phòng tại nhà của mình ở một thành phố nhỏ gần biên giới Ohio-Kentucky, Al-Azm tổng hợp thông tin nhận được từ những người như Al Mohamad, sàng lọc nội dung, quét các hình ảnh vệ tinh về những kẻ cướp mộ và các tòa nhà đổ nát, đồng thời giám sát internet. “Năm 2014, mạng xã hội tràn ngập những món đồ cổ bị cướp mộ. Nó đã lây lan như một loại virus. Tôi cảm thấy đau đớn khi Facebook quảng cáo chính những đồ tạo tác chúng tôi đã dành cả đời mình để cố gắng cứu lấy” - Al-Azm nói.
Năm 2018, Al-Azm và Katie A. Paul, nhà phân tích nghiên cứu và nhân chủng học tại D.C., đã đồng sáng lập Liên minh Chống Tội phạm Trực tuyến, cũng như Dự án ATHAR. Trong 2 năm, Al-Azm và Paul đã theo dõi một số mẫu gồm 95 nhóm cướp Facebook trên khắp Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm 488 quản trị viên và gần 2 triệu thành viên. Mỗi khi bán được hàng, những quản trị viên này kiếm được 20% hoa hồng. Paul và Al-Azm đã sử dụng thông tin cơ bản của họ để xác minh, tham khảo chéo những gì họ đang theo dõi, bao gồm tên những kẻ cướp mộ, các liên kết của chúng với IS và các nhóm chiến binh Hồi giáo khác như Hayat Tahrir al-Sham và Jabhat al-Nusra.
Tháng 1-2020, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã công bố báo cáo về tài trợ khủng bố, gọi Facebook là “công cụ buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa” có lợi cho IS.
(xem tiếp số báo sau)
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/facebook-thien-duong-buon-lau-cua-is-83965.html