'Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kích động bạo lực rất phản giáo dục'

Theo TS Vũ Thu Hương, Facebooker Đàm Vĩnh Hưng kích động bạo lực trên mạng là vi phạm pháp luật. Việc nhân danh bảo vệ trẻ để kêu gọi bạo lực nối tiếp bạo lực là phản giáo dục.

Những ngày qua, dư luận quan tâm câu chuyện khoảng 100 người tìm đến nhà trọ của anh Đoàn Văn Tí - người đàn ông ở An Giang bạo hành con trai trong lúc say rượu từ hai năm trước. Sự việc bắt đầu khi trang Facebook Đàm Vĩnh Hưng đăng thông tin treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt người cha đánh con này.

Anh Đoàn Văn Tý cho biết thời điểm xảy ra vụ việc, anh và vợ xảy ra mâu thuẫn vì nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác. Khi đi nhậu say về, Tí thấy con đang chơi với người đàn ông ở dãy nhà trọ đối diện, anh nổi cơn ghen, bắt cháu bé về hành hạ.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay clip ông bố Đoàn Văn Tí say rượu đánh tới tấp vào mặt một đứa trẻ là hành vi phản giáo dục, đáng bị lên án. Đứa trẻ có thể bị tổn thương, sang chấn tâm lý với hành vi bạo hành này.

Dòng chia sẻ trên trang Facebook Đàm Vĩnh Hưng hiện đã bị xóa. Ảnh chụp màn hình.

Dòng chia sẻ trên trang Facebook Đàm Vĩnh Hưng hiện đã bị xóa. Ảnh chụp màn hình.

Với những người cha rượu chè, gia đình cần phải cách ly khỏi trẻ nhỏ. Nếu hành động rượu chè diễn ra quá nhiều lần, các tổ chức bảo vệ trẻ em cần phải can thiệp.

Ở châu Âu, một số nước nghiêm cấm cha mẹ có hành vi bạo hành con trong khi say rượu được phép nuôi dưỡng trẻ. Nếu say rượu đánh con, ngay lập tức, người cha sẽ bị xử lý hình sự và bị pháp luật ngăn cấm lại gần đứa trẻ nếu chính con và người giám hộ không cho phép.

Theo nữ tiến sĩ, giáo dục trẻ bằng bạo lực đương nhiên là sai, phản giáo dục. Đánh con không có lý do còn sai nữa. Hành hạ con trẻ vì say rượu hay sự bất mãn của cha mẹ, đó còn là hành vi bạo hành, cần bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

Xét dưới góc độ giáo dục, hành động của ông bố đã sai, việc Facebook Đàm Vĩnh Hưng kêu gọi người khác bạo hành cũng không thể chấp nhận. Không thể nhân danh bảo vệ trẻ em, "giáo dục" ông bố bằng cách kích động "bạo lực đập bạo lực" một cách phạm pháp.

Khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, người dân cần tìm hiểu vấn đề nghiêm túc, báo cáo với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Nếu các quy định có điểm chưa hợp lý, công dân có thể kiến nghị để những nhà lập pháp xem xét, sửa đổi.

Đó là những điều cộng đồng mạng nên làm để mang lại cuộc sống ổn định cho trẻ em, chứ không phải làm xã hội bất ổn hơn bởi các hành động côn đồ, phản giáo dục.

Chia sẻ quan điểm trên, nhiều độc giả, cư dân mạng cũng cho rằng hành vi kích động bạo lực của Facebook Đàm Vĩnh Hưng đáng bị lên án mạnh mẽ. Từ lời kêu gọi trên Facebook, ngày 17/10, một nhóm người đội nón, tay có hình xăm, đầu trọc đi ôtô, xe máy đến tận phòng trọ lôi ông bố trong clip ra ngoài đánh.

Bạn Dy Dy viết: “Việc kích động bạo lực, gây rối trật tự trị an cần phải nghiêm trị bằng luật pháp, cho dù người đó là ai”.

Thành viên Chung Nguyễn cho rằng việc phản đối hành vi bạo lực là đúng nhưng treo giải thưởng cho các hành vi bạo lực khác lại sai hoàn toàn. Cần xử lý nghiêm những người đẩy sự việc đi quá xa bởi nguy hiểm cho tính mạng con người và an ninh trật tự xã hội.

Huỳnh Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/facebooker-dam-vinh-hung-kich-dong-bao-luc-rat-phan-giao-duc-post1004410.html