Fashion show 'Cội nguồn tinh hoa hội tụ': Góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo Hà Nội

Chương trình 'Cội nguồn tinh hoa hội tụ' hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (1949-2024) đã diễn ra thành công với nhiều dấu ấn tại Bảo tàng Hà Nội, tối 12-11. Đây cũng là 'bữa tiệc' thời trang quy tụ những sáng tạo của các thế hệ sinh viên ưu tú nhà trường, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động mỹ thuật ứng dụng và sáng tạo của Hà Nội.

Nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Phó Trưởng ban tổ chức Vũ Chí Công chia sẻ về chương trình đặc biệt này.

Fashion show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ" quy tụ những nhà thiết kế nổi bật là cựu sinh viên của nhà trường. Ảnh: M.Phương

Fashion show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ" quy tụ những nhà thiết kế nổi bật là cựu sinh viên của nhà trường. Ảnh: M.Phương

- Fashion show “Cội nguồn tinh hoa hội tụ” là điểm nhấn đặc biệt như thế nào trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, thưa thầy?

- Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp là “chiếc nôi” đào tạo nhiều nhà thiết kế nổi tiếng, nhà quản lý thời trang nước nhà và các giảng viên thời trang trên khắp cả nước. Đây là lần đầu tiên có show diễn thời trang do các nhà thiết kế đã từng là sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp trở về tổ chức. Họ hội tụ, tiến về cội nguồn, xây dựng một chương trình trình diễn thời trang chuyên nghiệp để tri ân nhà trường và các thầy cô, đồng thời cho thấy sự trưởng thành trong sự nghiệp.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Phạm Hùng Cường trao kỷ niệm chương, bằng chứng nhận cùng hoa và quà lưu niệm cho Ban tổ chức chương trình.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Phạm Hùng Cường trao kỷ niệm chương, bằng chứng nhận cùng hoa và quà lưu niệm cho Ban tổ chức chương trình.

- Show trình diễn thời trang này có điểm gì độc đáo, ấn tượng thưa thầy?

- Fashion show “Cội nguồn tinh hoa hội tụ” – tên gọi của chương trình cũng đã cho thấy ý nghĩa của chương trình là những tinh hoa của nền thời trang Việt được hội tụ ở “cội nguồn” - nơi đào tạo nên các nhà thiết kế. Toàn bộ chương trình là sự gắn kết giữa hiện tại, quá khứ và hướng tới tương lai, do vậy có sự giao lưu giữa các nhà thiết kế là cựu sinh viên nhà trường và các sinh viên hiện nay qua những bộ sưu tập và những bài tập sáng tạo.

- Trong số những cựu sinh viên tham gia chương trình “Cội nguồn tinh hoa hội tụ”, thầy ấn tượng với những nhà thiết kế nào?

Phần trình diễn bộ sưu tập "Tinh hoa hội tụ" của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

Phần trình diễn bộ sưu tập "Tinh hoa hội tụ" của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

75 năm xây dựng và đào tạo các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng và đặc biệt các nhà thiết kế thời trang của nhà trường, có rất nhiều gương mặt đã trở thành những nhà thiết kế nổi tiếng trong nước và quốc tế, có cả những giảng viên, nhà sư phạm ngành thiết kế thời trang uy tín trên cả nước. Lần này, nhiều nhà thiết kế danh tiếng trở về. Có thể kể đến là nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam với bộ sưu tập thiết kế áo dài nghệ thuật đặc sắc, thể hiện con đường thiết kế mà anh theo đuổi và ghi dấu ấn nhiều năm qua.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam không chỉ sáng tạo nhiều thiết kế áo dài đẹp, giá trị ở trong nước mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá áo dài Việt Nam ra thế giới. Anh cũng góp phần đào tạo nhiều nhà thiết kế áo dài trên cả nước. Chính vì thế, sự góp mặt của Đỗ Trịnh Hoài Nam là một dấu ấn quan trọng trong chương trình nói riêng và trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nói chung.

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Ảnh: M.Phương

Bộ sưu tập áo dài “Tinh hoa hội tụ” của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật bất hủ của các danh họa nổi tiếng trên thế giới, thể hiện sự giao thoa văn hóa và tình hữu nghị quốc tế thông qua hội họa và áo dài. Mỗi mẫu áo dài đều là tác phẩm phiên bản giới hạn, được vẽ tay và sử dụng kỹ thuật thêu đính truyền thống tinh xảo trên nền lụa SVF của Việt Nam.

Trong chương trình, ngoài phần thiết kế áo dài còn có phần trình diễn thời trang công sở và thời trang cao cấp của nhà thiết kế Phượng Anh. Điều đó, tạo nên sự cân bằng giữa sự phát triển của thời trang truyền thống và thời trang hiện đại. Hai nhà thiết kế kết hợp trong chương trình để thấy rằng, thời trang không chỉ là dòng chảy của xu hướng hiện đại mà còn là hướng phát triển văn hóa mặc độc đáo của Việt Nam.

- Ngoài sự tri ân của các cựu sinh viên nhà trường, theo thầy, fashion show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ" mang tới những giá trị gì cho thời trang và hoạt động sáng tạo?

- Không chỉ là chương trình hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập trường, fashion show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ" còn gắn liền với hoạt động mỹ thuật ứng dụng và hoạt động sáng tạo của Hà Nội, đóng góp xây dựng Hà Nội – Thành phố sáng tạo. Chính vì thế, chương trình được dàn dựng và biểu diễn hoành tráng, ấn tượng tại không gian Bảo tàng Hà Nội - một công trình văn hóa ý nghĩa của Thủ đô. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn đưa đến công chúng Thủ đô những thiết kế thời trang sáng tạo, giá trị, đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo đến các nhà thiết kế và các bạn trẻ.

- Trân trọng cảm ơn thầy!

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/fashion-show-coi-nguon-tinh-hoa-hoi-tu-gop-phan-thuc-day-hoat-dong-sang-tao-ha-noi-684404.html