FDI chất lượng cao luôn tìm kiếm tính đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực

Thực tế đã cho thấy, những nhà đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, luôn tìm kiếm nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây lại được xem là điểm còn hạn chế của Việt Nam. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đột phá trong công tác đào tạo cần được xem là yếu tố quan trọng.

Theo đánh giá chung, chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện còn nhiều hạn chế, thiếu hụt lao động tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.

Nhìn vào con số thống kê của cơ quan chức năng về chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cách đây không lâu càng thấy rõ hơn điều này. Cụ thể, có tới 37% lao động được tuyển dụng không đáp ứng được công việc, 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động; nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại lực lượng lao động… Những con số nói trên cho thấy, quan ngại của các nhà đầu tư đối với chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực mới hấp dẫn được những dòng vốn FDI chất lượng cao

Đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực mới hấp dẫn được những dòng vốn FDI chất lượng cao

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" vừa được tổ chức, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay, nguồn nhân lực Việt Nam yếu ở tính kỷ luật và làm việc theo khuôn mẫu nhưng ngược lại, nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, tất cả mọi thứ đều rất nhanh, tôi cho rằng đó là một điểm mạnh tiềm năng của nhân lực Việt Nam.

Ông Toàn lấy ví dụ, vừa rồi Samsung có đánh giá, sau khi được đào tạo cơ bản, những công nhân kỹ thuật Việt Nam sau một thời gian 3 tháng, 6 tháng đã bắt kịp tương đối sát với các công nhân từ Hàn Quốc. Trong khi đó, lương của công nhân Hàn Quốc cao gấp 2-3 lần. Bằng chứng nữa là đã có 2 kỹ sư của Việt Nam tham gia vào chế tạo camera cho Samsung. Đấy là điển hình về công nghệ. "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta định hướng đúng thì nguồn nhân lực Việt Nam sẽ khởi sắc và phát triển" - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nước ta có số lượng lao động tương đối nhiều nhưng giai đoạn thu hút đầu tư để sử dụng lao động chi phí thấp đã qua. Đó cũng là yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế. Vấn đề lao động chất lượng cao không chỉ đối với đầu tư nước ngoài mà ngay cả đối với các loại đầu tư trong nước và nhu cầu phát triển của ta đều cần. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hạn khó có thể đáp ứng được như thế.

"Theo tôi, trước mắt, trong một dự án đầu tư cụ thể với một quy mô tướng ứng thì nhà đầu tư phải xác định cần bao nhiêu lao động và lao động đó làm cái gì thì chúng ta có thể cùng với họ thiết kế những chương trình hỗ trợ đào tạo cho từng dự án một, từng loại nhà đầu tư một theo phương thức thiết kế cả gói, như thế mới có thể giải quyết được yêu cầu của nhà đầu tư" - ông Cung nêu giải pháp.

Được biết, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tập trung triển khai một số nhiệm vụ đào tạo lao động trong các ngành nghề chất lượng cao như kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo; rà soát chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về danh sách các lao động kỹ thuật Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp tuyển chọn.

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu rõ về việc ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, rõ ràng vai trò của nguồn nhân lực vô cùng quan trọng, đặc biệt là lao động chất lượng cao sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc tiến nhanh, tiến vững chắc đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời gian tới của nước ta.

M.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/fdi-chat-luong-cao-luon-tim-kiem-tinh-dot-pha-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-577698.html