FDI giữ nhịp độ tích cực
Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng mạnh. 7 tháng năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ KH&ĐT, chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể.
Nhiều dự án công nghệ tăng tốc vào Việt Nam
Theo Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 18 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt hơn 10,76 tỷ USD với 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. So với cùng kỳ, số dự án tăng 11,6%, còn tổng vốn đăng ký tăng 35,6%. Ngoài ra, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Vốn giải ngân cũng rất tích cực, sau 7 tháng đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài đang tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định, số vốn FDI giải ngân tăng cao phản ánh nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam và năng lực hấp thu, giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế. Điểm đáng chú ý, số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. “Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay và các năm tiếp theo” - ông Lâm nói.
Hơn 70% vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (12,65 tỷ USD). Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.
Theo Bộ KH&ĐT, chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Cơ hội đón vốn FDI từ các "đại bàng" công nghệ cao được mở rộng sau chuyến làm việc tại Việt Nam của CEO Apple Tim Cook, Phó Chủ tịch hãng công nghệ Nvidia (Mỹ). Apple muốn đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Nvidia đã thảo luận hợp tác về hệ sinh thái bán dẫn và AI.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục lên kế hoạch dốc vốn vào Việt Nam. Như Foxconn, đến nay, các nhà máy đã có mặt tại 5 tỉnh ở Việt Nam với khoản đầu tư 4 tỷ USD, sử dụng 80.000 lao động. Đặc biệt, Foxconn cho biết vừa quyết định đầu tư thêm gần 400 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp, gia công bảng mạch PCB tại Khu công nghiệp Nam Sơn (Bắc Ninh).
Hay việc Nokia công bố việc hợp tác cùng Foxconn để sản xuất các sản phẩm AirScale, trong đó bao gồm thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale phục vụ cho hạ tầng 5G. Đại diện Nokia cho biết dự án sẽ bắt đầu vào tháng 7 và kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 9. Các sản phẩm xuất xưởng từ nhà máy này sẽ được sử dụng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Foxconn là đối tác sản xuất toàn cầu của Nokia, sẽ mở rộng năng lực để sản xuất các sản phẩm 5G của tập đoàn Phần Lan tại Việt nam.
Đến nay, các ông lớn trong ngành bán dẫn, AI… thế giới như Samsung, Hyosung, Intel, Google, NVIDIA, Amkor, Hana Micron, Synopsys… đều có đầu tư, hợp tác tại Việt Nam.
“Những thương hiệu lớn trong ngành công nghệ đều có mặt hoặc liên quan mật thiết với thị trường Việt Nam đã và đang là nền tảng rất tốt cho cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, AI… mà Việt Nam đang tích cực nỗ lực thu hút và có nhiều quyết sách táo bạo”- PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) đánh giá.
Đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư
Đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho thấy, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực. Việt Nam có vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia. Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực hơn, vĩ mô ổn định. Với đà phục hồi FDI khá tốt hiện nay, trong năm 2024, vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đầu tư có thể đạt 35 - 37 tỷ USD, vốn thực hiện có thể đạt 23 - 25 tỷ USD.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố hồi trung tuần tháng 7/2024, khuyến nghị 5 điểm quan trọng mà Việt Nam cần tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi, như đường, cảng, cầu...; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; đồng thời bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chúng ta đã lường trước các thách thức, như vấn đề an ninh năng lượng; nhu cầu về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nhân lành nghề tại các khu công nghiệp; tháo gỡ những rào cản thủ tục hành chính… Bên cạnh việc đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của Việt Nam (như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…); từ đó thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… mà cần nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, cạnh tranh quốc tế
Bộ KH&ĐT đang nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Khi các chính sách này được thông qua, sẽ góp phần quan trọng thu hút và giữ chân các “đại bàng” công nghệ.
Theo Dự thảo Nghị định, các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ là các đối tượng được hưởng lợi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tùy vào việc đáp ứng được các tiêu chí được đưa ra trong Dự thảo Nghị định, các đối tượng này sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư khác nhau. Trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ bằng tiền mặt cho các chi phí như đào tạo nguồn nhân lực, R&D, sản xuất công nghệ cao…
Các chuyên gia đánh giá, Quỹ Hỗ trợ đầu tư ở thời điểm này là rất cần thiết để cụ thể hóa các định hướng, chủ trương về chính sách ưu đãi đầu tư; cũng như củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, chạy đua thu hút đầu tư gay gắt giữa các quốc gia; và tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
“Đây chính là các hình thức hỗ trợ đầu tư mà các quốc gia trong khu vực đang áp dụng, trong khi tại Việt Nam thì chưa được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật. Đồng thời, cơ chế này phù hợp với các khuyến nghị của OECD trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng”- GS-TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài nhận định. Gần đây, nhiều quốc gia đã rất mạnh tay chi tiền hỗ trợ để lôi kéo các “đại bàng”, nhất là các “đại bàng” công nghệ. Cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều đã sẵn sàng “móc hầu bao” hàng tỷ USD để thu hút các dự án quy mô lớn của Intel, Samsung, TSMC… Các nước trong khu vực, như Thái Lan, Singapore… cũng dành những nguồn lực không nhỏ để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/fdi-giu-nhip-do-tich-cuc.html