FDI giúp nâng gấp đôi tỷ trọng kinh tế Việt Nam trong ASEAN

Việt Nam đang dần chuyển đổi thành công từ nền kinh tế sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế theo hướng công nghệ có giá trị gia tăng cao hơn nhờ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bên cạnh sự phát triển của ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục

Dựa vào những yếu tố nền tảng mạnh mẽ dài hạn này, tỷ trọng kinh tế của Việt Nam trong tổng GDP của ASEAN đã tăng gấp đôi, từ dưới 6% vào năm 2000 lên khoảng 12% hiện nay.

Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore đã đưa ra nhận định trên tại Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN” năm 2024 do Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Với chủ đề “Cửa ngõ hội nhập ASEAN”, hội nghị năm nay đã thu hút 600 khách mời là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Hồng Kông và Trung Quốc cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành.

Theo số liệu thống kê, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) trong 8 tháng năm 2024 đạt 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi vốn thực hiện đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Singapore nhận định, Việt Nam là thị trường sản xuất thiết bị điện tử quan trọng của thế giới. Tổng giám đốc ngân hàng nằm trong nhóm Big4 của Singapore cũng thừa nhận: Việt Nam là một trung tâm kinh tế năng động, sở hữu kết nối chiến lược với các thị trường toàn cầu quan trọng và có các hiệp định thương mại tự do để giảm thiểu các rào cản gia nhập thị trường.

Trong 5 năm qua, UOB cũng là cầu nối dẫn dắt nhà đầu tư đến Việt Nam, Tập đoàn này đã hỗ trợ khoảng 300 công ty mở rộng hoạt động vào thị trường Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore và tạo ra khoảng 50.000 việc làm. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư để củng cố hoạt động của mình tại thị trường này vì dân số đông và trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng”, ông Wee Ee Cheong khẳng định.

Ông Wee Ee Cheong Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc - Ngân hàng UOB Singapore phát biểu tại sự kiện

Ông Wee Ee Cheong Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc - Ngân hàng UOB Singapore phát biểu tại sự kiện

3 thách thức cần quan tâm

Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế nhận định là một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng, cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư và mở rộng kinh doanh trong khu vực ASEAN. Đồng thời, chúng ta đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trên khắp khu vực.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, các nước ASEAN đang chuẩn bị ghi nhận thêm một năm nữa về dòng vốn FDI kỷ lục, ASEAN là điểm đến FDI lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ (ở mức 311 tỷ USD) và đứng trước Trung Quốc (ở mức 163 tỷ USD). Về lâu dài, dòng vốn FDI của ASEAN dự kiến sẽ tăng mạnh lên khoảng 370 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy vậy, ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB lưu ý, 3 thách thức chính đối với nền kinh tế Việt Nam và ASEAN: Thứ nhất là sự phục hồi kinh tế không đồng đều và chậm chạp của Trung Quốc. Dữ liệu mới nhất tiếp tục chỉ ra doanh số bán lẻ và chi tiêu kém trong bối cảnh sản xuất chậm lại tại nền kinh tế số hai thế giới; việc tái cấu trúc nợ trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục mất thời gian để giải quyết. Do đó, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại từ 5,0% trong nửa đầu năm 2024 xuống còn khoảng 4,8% dự báo trong nửa cuối năm 2024. Mặc dù có những rủi ro từ nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, ASEAN cũng được hưởng lợi lớn từ xu hướng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn Trung Quốc vào ASEAN khi họ tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới bên ngoài thị trường nội địa.

Thách thức thứ hai là rủi ro chính sách tiềm ẩn mà các tập đoàn và nhà đầu tư cần phải điều hướng.

Thách thức thứ ba tùy thuộc vào kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới...

Tuy vậy, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với tăng trưởng GDP trong quý II lên mức 6,9% so với cùng kỳ, từ mức 5,8% trong quý I/2024. Chuyên gia của UOB Singapore đánh giá: Sự phục hồi tăng trưởng trong nửa đầu năm nay của Việt Nam có thể được kỳ vọng sẽ kéo dài sang nửa cuối năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ dự báo tăng trưởng thương mại và sự gia tăng dòng vốn FDI của ASEAN.

Hải Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/fdi-giup-nang-gap-doi-ty-trong-kinh-te-viet-nam-trong-asean-155328.html