FDI SME sẽ là triển vọng mới đối với hút đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam

Đây là nhận định của ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2024 chủ đề 'Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi' do báo Saigontime tổ chức ngày 29/5.

Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng duy nhất

Dẫn số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, ông Trương Khắc Nguyên Minh chỉ rõ trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt gần 8 tỷ USD.

Theo đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo với nhiều dự án vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu hút vốn đầu tư FDI mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh nhất lại thuộc về lĩnh vực bất động sản tại các khu công nghiệp (KCN) với mức tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tính đến hết quý I/2024, cả nước có 418 KCN (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu.

Các KCN, KKT đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.

Ông Lê Hoàng Châu (cầm mic) cùng các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản sáng ngày 29/5. Ảnh: Gia Hân

Ông Lê Hoàng Châu (cầm mic) cùng các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản sáng ngày 29/5. Ảnh: Gia Hân

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) nhấn mạnh, từ sau dịch Covid-19, bất động sản KCN là điểm sáng duy nhất và kéo dài đến thời điểm hiện tại trong bức tranh tổng thể của bất động sản.

“Bằng chứng là loạt ông lớn liên tục rót vốn hàng trăm thậm chí tỷ USD vào các KCN tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu như Lego, Samsung, SK, Pandora..”, ông Châu nêu.

Tiềm năng lớn cộng với tiến trình hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng đã đẩy tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tại các KCN có tốc độ tăng trưởng ổn định.

Cụ thể các KCN đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.

Nhu cầu ở mức cao và đang trong xu hướng tăng đẩy giá thuê đất KCN lên cao, với mức tăng ổn định từ 8-12% theo năm. Khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất với giá thuê KCN trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê.

Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất; thương mại điện tử, máy móc, linh kiện điện tử. Giá thuê kho bãi, nhà xưởng xây sẵn dao động từ 4-5 USD/m2/tháng.

Tiềm năng từ các doanh nghiệp FDI SME

Dù chỉ mới gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2021 với vai trò là nhà đầu tư thứ cấp tại các KCN, đại diện KCN Việt Nam (100% vốn nội địa) cho biết sẽ chọn tấn công mạnh vào phân khúc bất động sản KCN và chọn các đối tác chiến lược là doanh nghiệp có vốn nước ngoài vừa và nhỏ (FDI SME) trong kế hoạch phát triển.

Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam. Ảnh: Gia Hân

Ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc KCN Việt Nam. Ảnh: Gia Hân

Bởi theo chia sẻ của ông Trương Khắc Nguyên Minh với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, trước nay bất động sản KCN luôn cố gắng tìm nhà đầu tư lớn nhưng lại bỏ quên câu chuyện rằng, đi cạnh những ông lớn đó là loạt các nhà đầu tư nhỏ có nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

“Ví dụ một doanh nghiệp FDI lớn có thể đi kèm từ 10 - 20 FDI nhỏ trong chuỗi cung ứng. Đây chính là phân khúc cực kỳ tiềm năng mà chúng ta cần hướng đến trong hút đầu tư. Đó là còn chưa kể đến khi mà Việt Nam đang tích cực phát triển mảng công nghiệp phụ trợ thì việc hút đầu tư từ các doanh nghiệp này cũng vừa phù hợp với xu thế”, đại diện KCN Việt Nam lý giải.

Theo ông Minh các FDI SME có nguồn vốn đầu tư nhỏ hơn 50 triệu USD. Tuy nhiên lượng doanh nghiệp này hiện rất lớn và cũng có nhiều ý định đầu tư tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng với các FDI lớn.

“Các doanh nghiệp này thường đến từ các từ các thị trường nói tiếng Trung như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore…và một số quốc gia châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản và thường tập trung nhiều trong phân khúc công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo”, ông Minh nói.

Dù là “tay chơi” mới nổi ở phân khúc bất động sản KCN và chọn đối tác chiến lược là các FDI SME nhưng hiện KCN Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể, như đã làm việc, triển khai 2 dự án nhà kho nhà xưởng xây sẵn tại Hải Phòng và Đồng Nai.

“Tập đoàn KCN Việt Nam hiện có 2 dự án triển khai hợp tác ở phân khúc này tại KCN Deep C Hải Phòng với diện tích 75.000 m2 cho thuê với tổng 10 doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ thuộc hệ sinh thái này. Và dự án tại KCN Hố Nai, Đồng Nai với diện tích 20 ha trên tổng diện tích 100.000 m2 mặt sàn cho thuê tổng vốn đầu tư 50 triệu USD”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KCN Việt Nam cho hay.

Ông Minh phân tích, khi Nghị định 35 của chính phủ hỗ trợ chuyển đổi từ KCN truyền thống nâng tầm lên KCN sinh thái phù hợp xu thế toàn cầu sẽ càng hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Tuy nhiên, dù ở phân khúc FDI vốn lớn hay FDI SME thì các tiêu chí về môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, chi phí logistics vẫn phải ngày càng được hoàn thiện, nâng cấp.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/fdi-sme-se-la-trien-vong-moi-doi-voi-hut-dau-tu-vao-khu-cong-nghiep-viet-nam-d216325.html