FDI thế hệ mới
Dư luận gần đây không khỏi băn khoăn trước hiện tượng dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đăng ký trong 7 tháng đầu năm giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 8,27 tỷ USD, mặc dù có tới 2.064 dự án cấp phép mới.
Băn khoăn của nhiều người có cơ sở trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, không đáng lo ngại trước dòng vốn FDI vào Việt Nam quay đầu giảm mạnh trong thời gian qua, bởi chúng ta đang có nhiều lợi thế để ra điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài, để chọn lọc những dự án chất lượng đúng như mong muốn.
Cụ thể, Đề án thu hút FDI thế hệ mới của Chính phủ mới được Bộ Chính trị quyết định ra Nghị quyết chuyên đề đã tạo "xung lực" mới để thu hút nguồn vốn quan trọng này, đảm bảo phát triển bền vững theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta.
Theo đó, Đề án định hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường; ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra; ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết...
Minh chứng cho một tư duy mới về thu hút FDI là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 73,2% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, đạt 6 tỷ USD. 7 tháng qua, còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Thực tế, qua 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam, nhiều bất cập đã được các chuyên gia kinh tế nêu ra, trong đó đáng chú ý là: Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước chưa chặt chẽ và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Việc thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đưa vào Việt Nam chủ yếu vẫn là công nghệ ở mức trung bình và lạc hậu (chiếm 94%), chủ yếu là gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, tận dụng các yếu tố đầu vào được ưu đãi để sản xuất hàng xuất khẩu...
Để khắc phục những bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, các chuỗi cung ứng đang tìm cách di chuyển khỏi các nước vào Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh, tinh thần lớn trong thu hút FDI là phải có chọn lọc, chú trọng vào các tập đoàn hàng đầu thế giới, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường; kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại...
Chiến lược thu hút FDI cần hướng vào thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và nâng cấp chuỗi giá trị của ngành và sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, đóng góp thiết thực vào tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/fdi-the-he-moi/