FDIC vướng vào cuộc chiến pháp lý với công ty mẹ của SVB
Tập đoàn SVB Financial Group, công ty mẹ của SVB và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sắp bước vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến 2 tỷ USD tiền mặt bị phong tỏa cùng với SVB.
Tập đoàn SVB Financial Group, công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), cơ quan đóng cửa và tiếp quản SVB, sắp bước vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến 2 tỷ USD tiền mặt của SVB Financial Group bị phong tỏa cùng với SVB.
Trong một văn bản gửi tòa án, SVB Financial cho biết, FDIC đã có “hành động không thích hợp” khi cắt đứt quyền tiếp cận của tập đoàn này với số tiền gửi của mình tại SVB. Hôm 17/3, SVB Financial đã đệ đơn bảo hộ phá sản, khoảng một tuần sau khi giới chức quản lý ngành ngân hàng bang California đã đóng cửa SVB, trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Luật sư của SVB Financial cho biết, công ty này đã mất quyền tiếp cận tiền gửi của mình vào ngày trước khi SVB Financial nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ phá sản Mỹ.
Đáp lại, ông Kurt Gwynne, một luật sư của FDIC với vai trò là người tiếp quản SVB, nói: “ Không có gì sai khi đóng băng tài khoản trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản”. Ông Gwynne cho biết, FDIC và nhiều cơ quản quản lý khác đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo cho tất cả tiền gửi tại Mỹ nhằm đẩy lùi tâm lý lo sợ, và nếu không có biện pháp này, SVB Financial sẽ không còn gì giá trị để “giành giật”.
Luật sư này cũng cho rằng SVB Financial không chỉ là một người gửi tiền tại SVB mà còn là một cổ đông của ngân hàng này, mà các cổ đông sẽ không được các nhà chức trách bảo vệ.
Dù SVB Financial mất quyền tiếp cận khoảng 2 tỷ USD tại SVB, công ty này vẫn tiếp cận được hơn 180 triệu USD trong tài khoản tại các ngân hàng khác. FDIC cho biết đang giữ tiền của SVB Financial để điều tra các khiếu nại đối với công ty này .
SVB là tài sản lớn nhất của tập đoàn SVB Financial, chiếm hơn 15,5 tỷ USD trong tổng tài sản trị giá 19,7 tỷ USD của công ty này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/fdic-vuong-vao-cuoc-chien-phap-ly-voi-cong-ty-me-cua-svb/285079.html