FE Credit và thách thức trước thềm IPO

Thu nhập giảm trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng vì Covid-19 là thách thức lớn đối với công ty tài chính có thế mạnh về cho vay tiền mặt, ngay trước thềm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

 Các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Ảnh minh họa.

Các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 gửi đến các nhà đầu tư của VPBank mới đây, Công ty tài chính cho vay tiêu dùng FE Credit ước lợi nhuận trước thuế đạt 3.713 tỉ đồng, giảm gần 17,3% so với cùng kỳ. Còn tổng thu nhập hoạt động trong năm ngoái đạt mức 17.417 tỉ đồng, giảm hơn 4% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2020 đạt khoảng 66.000 tỉ đồng, tăng 8,9% so với năm trước đó, trong đó số khách hàng mới chiếm 37%. Tuy nhiên, doanh số giải ngân trong năm của Fe Credit đạt khoảng 63.000 tỉ đồng, giảm gần 13,7% so với cùng kỳ.

Vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu (tính theo chuẩn mực kế toán VAS) của FE Credit tăng lên mức 6,6%, cao hơn so với con số 6% trong năm trước đó. Dù vậy, mức tỷ lệ nợ xấu này cũng được cải thiện so với các con số vào giữa năm và cuối quí 3.

Thu nhập giảm và các chi phí vốn tăng cũng khiến tỷ suất lợi nhuận cũng giảm tương ứng. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) đạt 4,1%, giảm so với mức 5,5% trong năm 2020. Còn tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) giảm mạnh về mức 23,4% từ mức 34,3%.

Không chỉ FE Credit, các công ty tài chính là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ đợt dịch Covid-19, đặc biệt là phân khúc khách hàng đại chúng, vốn là trọng tâm của hoạt động cho vay tiêu dùng. Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các công ty tài chính cơ cấu lại nợ xấu vì Covid-19.

Trên thực tế, các lãnh đạo của nhiều tổ chức tài chính trung gian cho biết nhu cầu vay vốn tiêu dùng tăng đáng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tuy nhiên, các công ty tài chính cũng thể mạnh tay cho vay vì lo ngại nợ xấu.

“Nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ đến trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng Fe Credit đã chủ động thắt chặt giải ngân các khoản vay mới để kiểm soát rủi ro tín dụng”, Công ty chứng khoán SSI nhận định trong một báo cáo về VPBank vào cuối tháng 12 vừa qua.

Bên cạnh các hoạt động cơ cấu nợ, để ứng phó với đại dịch Covid-19, FE Credit chủ động cắt giảm chi phí. Theo Công ty chứng khoán VNDirect, tại thời điểm cuối quí 3-2020, tổng số nhân viên tại VPBank giảm 4.445 người, trong đó trên 99% đến từ FE Credit. Theo báo cáo, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của FE Credit giảm về mức 28,9% từ mức 31,3%, tiếp tục xu hướng giảm.

Đánh giá của SSI cho thấy FE Credit có thể nới lỏng tiêu chí cho vay để thúc đẩy tăng trưởng trở lại trong năm nay, với mức hồi phục dự kiến khoảng 10-15%.

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của FE Credit mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch bán vốn cổ phần tại công ty tài chính sở hữu thị phần cho vay tiền mặt dẫn đầu trên thị trường.

Trước đó, kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của FE Credit dự kiến được triển khai vào quí đầu năm 2020, tuy nhiên đã bị hoãn lại vì dịch bệnh. Theo thông tin mới đây, ban lãnh đạo dự kiến có thể sẽ hoàn thành vào quí 3 năm 2021 này.

FE Credit duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn 2015 - 2020, với tổng dư nợ cho vay trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần giai đoạn này, theo Công ty chứng khoán VNDirect. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến VPBank đang giảm dần khi lợi nhuận FE Credit chỉ còn đóng góp 29% trong con số 13.019 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020, còn lại là phần của ngân hàng mẹ.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/313563/fe-credit-doi-mat-voi-thach-thuc-truoc-them-ipo.html