Fecon (FCN) 7 năm kinh doanh, 6 năm âm nặng dòng tiền, vừa bị nhắc nợ tiền BHXH

Dòng tiền kinh doanh trong 7 năm vừa qua của Fecon (FCN) liên tục âm hàng trăm tỷ đồng. Loạt công ty con của Fecon cũng đang bị nhắc tên vì nợ tiền BHXH.

Qua nửa năm mới chỉ đạt 1% mục tiêu, Fecon (FCN) đứng trước nguy cơ vỡ hế hoạch năm

Hoạt động kinh doanh của Fecon (FCN) trong nửa đầu năm 2023 tuy đã có một số tín hiệu tích cực nhưng tổng thể chung vẫn đang cho thấy sự thất vọng lớn.

Doanh thu thuần của công ty đạt 1.282,7 tỷ đồng. Trong đó phần lớn doanh thu đến từ mảng xây lắp với 1.121,1 tỷ đồng. Theo sau là doanh thu bán điện với 86 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa thành phẩm chiếm 57,1 tỷ đồng.

 Fecon (FCN) dòng tiền kinh doanh liên tục âm, chỉ hoàn thành 1% kế hoạch năm 2023 dù đã qua nửa năm (Ảnh TL)

Fecon (FCN) dòng tiền kinh doanh liên tục âm, chỉ hoàn thành 1% kế hoạch năm 2023 dù đã qua nửa năm (Ảnh TL)

Giá vốn hiện đang chiếm 1.034,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty đạt 248 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với cùng kỳ dù doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, chi phí tài chính gia tăng mạnh trong kỳ đã bào mòn gần hết khoản lợi nhuận gộp tăng thêm. Chi phí tài chính tăng từ 100,6 tỷ lên 140,9 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay tăng từ 98,8 tỷ lên 137,1 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực lãi vay đang ngày càng gia tăng khiến công ty khó có thể sinh lời.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ chiếm lần lượt 9,6 tỷ và 95,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về đạt 1,3 tỷ đồng.

So sánh với mục tiêu đặt ra từ đầu năm với doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng thì hiện tại Fecon mới chỉ hoàn thành được 33,8% kế hoạch doanh thu và 1% kế hoạch lợi nhuận năm. Như vậy, nếu từ nay đến cuối năm không có chuyển biến tích cực, Fecon sẽ có khả năng cao bị vỡ kế hoạch đề ra.

7 năm kinh doanh, 6 năm âm dòng tiền, thu không đủ bù chi

Tại cuối Quý 2/2023, dòng tiền kinh doanh của Fecon đang ghi nhận âm 101,9 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền ra ghi nhận cao nhất đến từ khoản lãi vay phải trả 137,1 tỷ đồng. Một lần nữa, chi phí lãi vay lại trở thành gánh nặng không chỉ cho kết quả kinh doanh mà còn đối với dòng tiền mặt của đơn vị này.

Thêm một điểm đáng lưu ý nữa đó là trong suốt 7 năm kinh doanh từ 2016 trở lại đây, hiếm có năm nào Fecon ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương.

 7 năm kinh doanh thì có đến 6 năm Fecon (FCN) âm dòng tiền.

7 năm kinh doanh thì có đến 6 năm Fecon (FCN) âm dòng tiền.

Điều này đồng nghĩa với việc trong suốt từng đó năm, Fecon hầu như chỉ chi tiền ra, lượng tiền thu về không đủ bù đắp cho phần chi ra dẫn tới thiếu hụt nguồn tiền.

Năm 2020 là năm duy nhất dòng tiền kinh doanh của Fecon dương 88,7 tỷ đồng. Ngược lại, tại các năm 2016, 2018, 2021 và 2022, dòng tiền kinh doanh của đơn vị này liên tiếp âm tới cả trăm tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2021, dòng tiền kinh doanh của Fecon âm tới 202,9 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, sang đến nửa đầu 2023, dòng tiền của Fecon vẫn không có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục âm thêm 101,9 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng, Fecon cùng loạt công ty con vừa bị nhắc tên vì nợ BHXH

Vừa qua, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đã công bố danh sách các công ty nợ tiền BHXH tính tới hết tháng 8. Đáng chú ý trong đó, Fecon cùng loạt công ty của mình đều bị gọi tên do chậm đóng BHXH.

Cụ thể thì CTCP Fecon chậm đóng bảo hiểm 681 triệu đồng; CTCP Cọc và Xây dựng Fecon chậm đóng 1,1 tỷ đồng; CTCP Xây dựng hạ tầng Fecon chậm đóng 563 triệu đồng; CTCP Công trình ngầm Fecon Ratio chậm đóng 504 triệu đồng; CTCP Đầu tư Fecon chậm đóng 123 triệu đồng.

Việc một công ty nợ tiền BHXH không phải là chuyện hiếm gặp nhưng câu chuyện này diễn ra trong bối cảnh Fecon đang gặp áp lực nợ vay lớn. Lượng lãi vay trong 6 tháng đầu năm trả là 137,1 tỷ, tăng hơn gần 40 tỷ so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của Fecon đang chiếm 3.407,9 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty là 4.278,3 tỷ đồng. Trong đó riêng các khoản nợ vay ngắn hạn đã tăng từ 1.766,7 tỷ lên 2.091 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 18,4%. Nợ vay dài hạn cũng đang chiếm 871,2 tỷ đồng.

Tổng lượng nợ vay ngắn và dài hạn của Fecon đã lên tới 2.962,2 tỷ đồng, cao gần bằng vốn chủ sở hữu, chưa kể tới các nguồn nợ khác.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/fecon-fcn-7-nam-kinh-doanh-6-nam-am-nang-dong-tien-vua-bi-nhac-no-tien-bhxh-post265518.html