Fed có khả năng sớm hạ lãi suất, xuất nhập khẩu của Việt Nam ảnh hưởng gì?

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc Fed có khả năng hạ lãi suất có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của nước ta nhưng không nhiều.

Doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng ra sao?

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD). Chiều ngược lại, hết tháng 6, kim ngạch nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất nhập khẩu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2024

Xuất nhập khẩu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2024

Hết tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 11,85 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi với con số tăng trưởng rất cao, khác hẳn với bức tranh tăng trưởng âm của cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định sẽ không chờ đến khi lạm phát về 2% thì mới giảm lãi suất mà sẽ hạ ngay khi nào Fed tự tin rằng lạm phát đang hướng về mức mục tiêu này. Việc Fed cắt giảm lãi suất đã được dự báo từ lâu và sẽ tác động ngay lập tức đến nền kinh tế Mỹ, khiến đồng USD giảm giá. Mức giảm này sẽ không quá mạnh, nhưng đủ để tạo cơ hội cho đồng Việt Nam tăng giá so với đồng USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao ở cả 2 chiều như hiện nay, việc đồng USD giảm giá ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bởi lẽ, USD hiện là đồng tiền mạnh và chi phối hoạt động thương mại quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam hiện thanh toán bằng đồng USD rất nhiều, do đó việc Fed hạ lãi suất làm đồng USD giảm giá so với hiện nay. Nếu đặt trong bối cảnh tỷ giá không thay đổi thì đồng tiền Việt có thể mạnh hơn, mức độ mạnh lên bao nhiêu tùy thuộc vào việc Fed giảm lãi suất ở mức nào.

“Theo lý thuyết, đồng tiền trong nước tăng giá thì xuất khẩu sẽ giảm sức cạnh tranh. Khi doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ hay các nước sử dụng đồng USD sẽ khiến thiệt hại về giá trị do đồng USD giảm giá. Đây là tác động quan trọng nhất mà các doanh nghiệp phải chú ý để có những ứng phó phù hợp” – chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng việc này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu vì dù Fed có hạ lãi suất nhưng mức giảm sẽ không giảm nhiều vì lạm phát của Mỹ còn cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần các hợp đồng nên dù có thiệt hại ít nhiều do việc chênh lệch tỷ giá thì doanh nghiệp vẫn sẽ triển khai các hợp đồng đã ký kết.

Đối với nhập khẩu, 6 tháng đầu năm ta nhập khẩu nhiều nhưng không nhập khẩu từ Mỹ. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa nguyên phụ liệu sản xuất chiếm khoảng gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu. Hàng hóa nguyên phụ liệu lại chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc nên việc đồng USD giảm giá sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.

Chú ý phòng vệ thương mại và xuất khẩu xanh

Nhận định về kết quả xuất nhập khẩu nửa đầu năm, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, xuất nhập khẩu là điểm sáng trên bức tranh kinh tế khi được cải thiện cả ở tổng kim ngạch nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu và cán cân thương mại. Đó là kết quả rất tốt trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt, cho thấy khả năng cạnh tranh và vị thế hàng Việt vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường khi các hoạt động điều tra chống bán phá giá tăng lên. Do đó, bên cạnh việc có các cảnh báo sớm cho doanh nghiệp, các nhà quản lý, đặc biệt là Bộ Công Thương phải chú ý đến việc khả năng hàng Việt Nam bị mượn thương hiệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đẩy mạnh chất lượng hàng hóa xuất khẩu để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, hiện nay các quốc gia ngày càng quan tâm đến các tiêu chuẩn tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc chuẩn bị xây dựng các chuỗi cung ứng xanh để hướng tới phát triển bền vững hoạt động xuất nhập khẩu.

Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương xác định: Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng nỗ lực khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/fed-co-kha-nang-som-ha-lai-suat-xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-anh-huong-gi-331833.html