Fed có lý do để ăn mừng
Ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra thị trường việc làm của Mỹ đang hạ nhiệt. Điều này cho thấy Fed đã tiến thêm một bước trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo CNBC, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cho thấy thị trường việc làm đang bước vào giai đoạn đầu của đà suy yếu.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra số lượng việc làm mới chỉ tăng 236.000 trong tháng 3, thấp hơn ước tính 238.000 việc làm của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát.
Tăng trưởng thấp nhất hơn 2 năm
Thị trường việc làm đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%, thấp hơn dự báo 3,6%.
Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3%, đẩy mức tăng một năm lên 4,2% - thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
"Mọi thứ đang đi theo đúng hướng. Suốt 2 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy một báo cáo sát với dự báo thế này", bà Julia Pollak - chuyên gia kinh tế trưởng của ZipRecruiter - nhận định.
Mọi thứ đang đi theo đúng hướng. Suốt 2 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy một báo cáo sát với dự báo thế này
Bà Julia Pollak - chuyên gia kinh tế trưởng của ZipRecruiter
Báo cáo việc làm của Mỹ được công bố trong bối cảnh nhiều dấu hiệu chỉ ra đà tăng trưởng trên thị trường việc làm đang suy yếu dần.
Theo một báo cáo khác được công bố trong tuần này, trong tháng 3, số nhân viên bị sa thải đã tăng vọt 400% so với một năm trước đó. Các báo cáo khác chỉ ra số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đi lên và tốc độ tăng trưởng tiền lương của khu vực tư nhân cũng giảm tốc.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động, lần đầu tiên sau gần 2 năm, cơ hội việc làm tại Mỹ đã giảm xuống dưới 10 triệu vị trí vào tháng 2.
Hơn nữa, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp rơi vào vùng suy giảm, cho thấy hoạt động tại các nhà máy đang suy yếu.
Fed đang đi đúng hướng
Tất cả cho thấy các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát huy tác dụng. Ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất điều hành lên 4,75 điểm phần trăm, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ thập niên 80 trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.
"Chúng tôi cam kết bình ổn giá cả và tất cả bằng chứng đều nói lên rằng mọi người cũng tin chúng tôi sẽ làm điều đó", ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - cho biết trong họp báo sau cuộc họp tháng 3. Vị quan chức cam kết "duy trì niềm tin đó bằng lời nói cũng như hành động".
Lãi suất do Fed ấn định sẽ quyết định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, và tác động tới các khoản vay tiêu dùng, thế chấp, mua xe và thẻ tín dụng.
Thêm vào đó, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã làm rung chuyển ngành tài chính. Giới quan sát tin rằng những rắc rối trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tạo ra tác động lan tỏa trong vài tháng tới.
Dù vậy, một số tín hiệu khác cho thấy con đường đối phó với lạm phát của Fed sẽ không kết thúc sớm. Tuần trước, một số quan chức Fed cho biết họ vẫn cam kết chống lạm phát và tin rằng lãi suất có thể được duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Mới đây, một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này có thể đẩy giá nhiên liệu toàn cầu lên cao và tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát.
"Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất", ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/fed-co-ly-do-de-an-mung-post1420249.html