Fed đối mặt hai rủi ro về lãi suất

Việc Fed giảm lãi suất quá sớm hay giữ lãi suất cao quá lâu đều có thể đặt ra rủi ro đối với nền kinh tế...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận thấy rằng họ cần phải giữ lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian lâu hơn so với dự kiến. Kết luận này được đưa ra sau khi Fed chứng kiến tháng thứ ba liên tiếp số liệu lạm phát gây thất vọng vào tháng 4 vừa rồi.

Biên bản cuộc họp ngày 30/4-1/5 được Fed công bố ngày 22/5 cho thấy các quan chức thuộc Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách trong Fed - nhận định lãi suất đã đủ cao để khiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát giảm tốc. Tuy nhiên, họ phát tín hiệu rằng họ đang thiếu chắc chắn về mức độ hạn chế mà mức lãi suất này có thể đặt ra đối với hoạt động kinh tế và áp lực giá cả.

Một số không cụ thể các quan chức “đề cập sự sẵn sàng thắt chặt thêm chính sách nếu rủi ro lạm phát hiện thực hóa theo chiều hướng khiến cho việc hành động như vậy trở nên hợp lý” - theo biên bản cuộc họp.

Trong lần họp này, Fed giữ nguyên lãi suất ở khoảng 5,25-5,5%, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ. Lãi suất điều hành của Fed đã đi ngang kể từ tháng 7 năm ngoái, khi ngân hàng trung ương này hoàn tất chuỗi đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh nhất trong 40 năm để chống lại mức lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập kỷ.

Áp lực lạm phát ở Mỹ đã dịu đi đáng kể trong nửa sau của năm ngoái, và giới chức Fed hồi tháng 3 phát tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất nếu có thêm 1-2 tháng dữ liệu lạm phát yếu. Tuy nhiên, loạt số liệu thống kê của tháng 3 cho thấy sức ép lạm phát vẫn âm ỉ trong nền kinh tế, và Fed buộc phải hoãn cân nhắc việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sau vài tháng trừ phi thị trường lao động bất ngờ suy yếu.

Một thước đo lạm phát lõi, không tính đến giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, cho thấy mức tăng 2,8% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, đã giảm được 2 điểm phần trăm so với ở thời điểm tháng 3/2023.

Tuy nhiên, thước đo 12 tháng che giấu nhiều trở ngại gần đây của tiến trình giảm lạm phát: trong kỳ 6 tháng tính đến hết tháng 3, giá cả tăng với tốc độ hàng năm 3%, tăng từ mức 1,9% của kỳ 6 tháng kết thúc vào cuối tháng 12. Mức tăng này còn lớn so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Sau lần họp mới đây nhất của Fed, số liệu thống kê chính thức cho thấy áp lực giá cả chưa tăng tốc thêm. Điều này giúp thị trường cảm thấy yên tâm rằng Fed sẽ không cần phải tăng thêm lãi suất.

“Hiện tại, khả năng Fed tăng thêm lãi suất là rất thấp”, Thống đốc Christopher Waller của Fed phát biểu tại một sự kiện ở Washington vào hôm thứ Ba tuần này. Động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed nhiều khả năng sẽ là giảm lãi suất thay vì tăng lãi suất, nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay nếu lạm phát không giảm như những gì mà giới chức Fed kỳ vọng - ông Waller cảnh báo.

Fed hiện đang cố gắng cân bằng giữa hai rủi ro. Một bên là nếu Fed giảm lãi suất quá sớm, đầu tư và chi tiêu sẽ gia tăng, và giá tài sản trong nền kinh tế Mỹ có thể leo thang, dẫn tới lạm phát khó giảm về mục tiêu 2% của Fed. Nhưng mặt khác, nếu Fed đợi quá lâu để có được bằng chứng rằng chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến thị trường lao động suy yếu, nền kinh tế có thể bị lãi suất cao kéo dài đẩy tới bờ vực suy thoái, rốt cục khiến Fed phải cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh.

“Hiện tại, chúng tôi chưa thấy có bất kỳ điều gì có vẻ duy trì trong 3-4 tháng tới có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái”, ông Waller nói hôm thứ Ba.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/fed-doi-mat-hai-rui-ro-ve-lai-suat.htm