Hướng tới mức lương tối thiểu thỏa đáng cho người lao động

Việc Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đã từng bước cải thiện đời sống của đoàn viên công đoàn và người lao động. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn cuộc sống có thay đổi nên chính sách tiền lương cần được tiếp tục hoàn thiện hơn, hướng tới mức lương tối thiểu thỏa đáng.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Phạm Thu Lan đã có ý kiến như trên khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Phạm Thu Lan.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Phạm Thu Lan.

Mức lương tối thiểu cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu

Thưa bà, Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đề xuất mức tăng bình quân 6% so với hiện nay, thực hiện từ 1/7/2024. Theo bà, khi 1/7/2024 lương tối thiểu tăng thì đời sống người lao động sẽ được cải thiện về nhiều mặt?

- Khi mỗi lần tăng lương tối thiểu thì đời sống của người lao động đều được cải thiện. Lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được tăng lên; sau này khi họ nghỉ hưu sẽ có lương hưu cao, tương lai bảo đảm hơn.

Người lao động có mức lương cải thiện thì cuộc sống gia đình, con cái sẽ đỡ hơn. Có thể người lao động sẽ cân nhắc đến việc giảm giờ đi làm thêm để dành thời gian chăm lo cho gia đình. Đấy là mong muốn của chúng ta, chứ thực sự tiền lương chưa cao đến mức người lao động nghĩ rằng không phải đi làm thêm vì tiền lương đã đủ sống.

Có một điều tôi rất muốn nói đến, đó là mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đảm bảo được mức sống tối thiểu trong điều kiện bình thường (không xảy ra các biến cố trong cuộc đời). Nhưng không ai lường trước được trong cuộc đời mình sẽ có những biến cố, sự kiện gì xảy ra, rất cần có khoản để dự phòng; trong khi mức lương tối thiểu hiện nay chưa tính đến những điều đó. Đấy là chưa nói tới việc, người lao động làm việc với mức lương đó khi họ còn đang có sức khỏe; sau này nhiều tuổi năng suất lao động và thu nhập sẽ giảm đi.

Vì thế, để người lao động có mức lương đủ sống, không phải đi làm thêm, có khoản tích lũy thì chúng ta cần hướng đến thực hiện mức lương tối thiểu thỏa đáng.

Bà có thể nói cụ thể hơn thế nào là mức lương tối thiểu thỏa đáng và nó khác thế nào so với mức lương tối thiểu hiện nay?

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mức lương tối thiểu là để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Việc tăng lương tối thiểu hiện nay cũng là để thực hiện mục tiêu đó.

Nhưng mỗi thời kỳ, mức sống tối thiểu lại khác nhau. Chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu dựa trên quan điểm mức sống tối thiểu của hơn chục năm trước, tiền lương tối thiểu mới chỉ để thoát nghèo, chưa tính đến khoản tích lũy, dự phòng rủi ro trong cuộc sống. Đợt Covid-19, nhiều người lao động phải rời thành thị về quê vì thời gian đi làm được bao nhiêu tiền lương tiêu hết bấy nhiêu, không có khoản dư.

Chúng ta cần thay đổi theo hướng thực hiện mức lương tối thiểu thỏa đáng, với phương pháp tính cập nhật với giá cả thị trường, tiêu chuẩn mới của giai đoạn hiện nay (rổ giá hàng hóa, chất lượng nhà ở, chất lượng giáo dục, y tế, có tích lũy phòng khi rủi ro, mua nhà, lo cho tương lai...).

Hiện nay, Việt Nam chưa có phương pháp tính toán mức lương tối thiểu thỏa đáng. Tuy nhiên, theo tính toán của các tổ chức quốc tế, mức lương tối thiểu hiện nay tương đương khoảng 60% mức lương tối thiểu thỏa đáng. Để thực hiện mức lương tối thiểu thỏa đáng, chúng ta cần cố gắng dần dần nhưng quan trọng là có sự đồng thuận, trao đổi giữa các bên liên quan (giữa Công đoàn, DN với Chính phủ) để thống nhất quan điểm, lộ trình thực hiện.

Giải bài toán tăng lương gắn với tăng năng suất lao động

Quay trở lại câu chuyện điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/7/2024 với mức tăng trung bình 6%, đó là sự cố gắng rất lớn từ phía DN và sẻ chia của người lao động?

- Việc tăng lương 6% cho người lao động trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, các DN gặp khó khăn về đơn hàng thì đó là sự nỗ lực rất lớn. Các nước có mức tăng lương tối thiểu thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Bài toán đặt ra là vấn đề tăng năng suất thế nào để tăng doanh thu cho DN và thu nhập cho người lao động. Có nhiều yếu tố để tăng năng suất, đó là người lao động, năng lượng, đất đai, thiết bị, máy móc, tiền vốn.

Về phía người lao động, hiện nay đã làm việc rất cố gắng và nỗ lực hết sức cho công việc, công ty. Tất nhiên, người lao động vẫn có thể tăng năng suất được nữa nhưng cần có động lực kích vào họ như tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc tốt. Còn các yếu tố khác để tăng năng suất lao động như vốn, công nghệ, trình độ quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực... thì thuộc về phía DN. Vấn đề đặt ra là DN có sẵn sàng đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất mới, đầu tư trí tuệ để cải tiến quy trình, cải tiến công nghệ, cải tiến sản phẩm không. Khi DN đầu tư thì phải chấp nhận giai đoạn đầu gặp khó khăn và bị giảm lợi nhuận.

Thực tế hiện nay cho thấy, có nhiều DN đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên họ nói 1/7 tới đây không tăng lương để tập trung sản xuất, kinh doanh. Bà có ý kiến gì về việc này?

- Theo quy định của pháp luật lao động thì những DN này không sai. Thế nhưng, vấn đề ở đây là DN đánh giá người lao động ra sao và muốn kích thích họ làm việc ở mức độ nào. Nếu DN chỉ muốn người lao động làm việc bình bình như thế này thì không tăng lương. Nhưng về phía người lao động, không được tăng lương, họ sẽ không được khuyến khích làm việc, như vậy hiệu quả không cao. Và, người lao động có thể sẽ nghĩ tới chuyển việc sang công ty khác sẵn sàng trả lương cao hơn.

Những DN như vậy khó có thể kích thích người lao động tăng năng suất vì không giữ được người tài. Những người ở có thể là do tuổi cao, không có kỹ năng. Vì thế, DN cần nghĩ đến vấn đề thu hút, giữ chân và động viên người lao động làm việc bằng chính sách tăng lương cho người lao động. Khi được tăng lương, người lao động lại gắn bó với công ty và muốn làm việc nhiều hơn mỗi ngày để chia sẻ với DN.

Ngày 1/7/2024 sẽ điều chỉnh lương tối thiểu. Bà có lời khuyên gì đối với DN và nhất là người lao động để họ làm việc hiệu quả hơn, tăng năng suất lao động để đóng góp cho DN cũng như góp phần tăng thu nhập?

- Chúng tôi mong muốn các DN cố gắng thực hiện tăng lương cho người lao động theo đúng quy định của Nhà nước. Và thậm chí, DN có thể trả lương tối thiểu cho người lao động cao hơn, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng chi trả của DN. DN cũng nên tạo điều kiện cho người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng nhu cầu công việc.

Tăng lương tối thiểu cũng là sự động viên đối với người lao động. Bây giờ xu hướng chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc dần thay thế con người một số công việc. Vì thế, người lao động cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, tri thức, kỹ năng nghề có như vậy mới được DN giữ lại để làm việc và trả lương cao. Vì thế, chúng tôi rất mong người lao động cố gắng làm tốt hơn công việc của mình, gắn bó và chia sẻ với công ty để hai bên cùng có lợi.

Xin cảm ơn bà!

Hiện nay, cơ bản các DN trả lương cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm nên có mức tiền lương cao hơn lương tối thiểu vùng. Chỉ có khoảng dưới 10% số người lao động có tiền lương thấp hơn lương tối thiểu vùng do bị thiếu việc làm, làm không đủ ngày công trong tháng, không đủ số giờ làm việc tiêu chuẩn trong ngày. Đây là vấn đề liên quan đến tạo việc làm cho người lao động cần được DN thực hiện trong thời gian tới.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Phạm Thu Lan

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-toi-muc-luong-toi-thieu-thoa-dang-cho-nguoi-lao-dong.html