Fed giảm lãi suất và những tác động đến nền kinh tế thế giới

Ngày 18/9 (giờ địa phương, tức rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Đây sẽ là lần hạ đầu tiên của Fed trong bốn năm với những tác động được dự đoán sẽ vượt ra ngoài nước Mỹ.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm

Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm

Lạm phát đang trên lộ trình ổn định

Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 18/9, Fed cho biết đã quyết định cắt giảm lãi suất xuống phạm vi 4,75% - 5,00% trên cơ sở những diễn biến lạm phát gần đây. Các nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá cơ quan này đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%. Fed cũng cho biết sẽ sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ trong trường hợp rủi ro xuất hiện có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu về lạm phát và việc làm của cơ quan này.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026. Fed cũng nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào cuối năm 2024 lên mức 4,4%, từ mức 4% đưa ra vào tháng 6/2024.

Theo các chuyên gia, việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong khi tăng trưởng tiền lương trung bình hiện đang nhanh hơn mức tăng giá cả do lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 8/2024 từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã tăng lên 4,2%.

Những tác động ngoài phạm vi nước Mỹ

Ngân hàng trung ương của các quốc gia khác có thể sẽ cùng hạ lãi suất

Ngân hàng trung ương của các quốc gia khác có thể sẽ cùng hạ lãi suất

Quyết định lãi suất của Fed có thể không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính mà còn đến các yếu tố kinh tế cơ bản khác. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ có thể định hình lại dự đoán của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và triển vọng tài chính trong tương lai.

Tác động đầu tiên và rõ ràng nhất là việc Fed hạ lãi suất sẽ là yếu tố quan trọng dẫn dắt các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác cùng hạ lãi suất.

Sau hơn 2 năm chịu áp lực, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng đang "thở phào" nhẹ nhõm trước thông tin Fed hạ lãi suất.

Vào đầu năm nay, khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến, đã xuất hiện lo ngại về việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cả năm nay. Trong kịch bản này, các tổ chức như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng trung ương Canada gặp khó khăn trong việc lựa chọn có nên hạ lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế hay không.

Nhưng hiện nay, việc Fed bắt đầu hành động giúp ngân hàng trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Các nhà giao dịch đang dự đoán các ngân hàng trung ương khác sẽ lần lượt nối gót Fed. Tuy nhiên, ECB và Ngân hàng trung ương Anh khả năng có số lần cắt giảm ít hơn Fed vì vẫn còn cảnh giác với lạm phát.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi khi thường diễn biến theo thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức và Anh đều đang hướng đến mức giảm theo quý đầu tiên kể từ cuối năm 2023, khi Fed tiến gần bước ngoặt hạ lãi suất vào ngày 18/9. Điều này có nghĩa giá trái phiếu tăng.

Lãi suất tại Mỹ giảm có thể giúp các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Áp lực đối với các thị trường này trong việc phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ giảm bớt khi Mỹ hạ lãi suất.

Nhờ đó, các thị trường mới nổi có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi do Reuters theo dõi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới cũng sẽ hưởng lợi từ quyết định của Fed. Trong thời gian qua, do lo ngại về tăng trưởng khiến đà đi lên của thị trường chứng khoán toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi nếu lãi suất ở Mỹ thấp hơn thúc đẩy hoạt động kinh tế và tránh được suy thoái.

Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, Emmanuel Cau, cho biết thị trường chứng khoán luôn không ổn định sau lần hạ lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương, khi gây ra những hoài nghi về lý do cho động thái này. Nhưng nếu có một đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái, thường thị trường có xu hướng đi lên trở lại.

Trong lĩnh vực hàng hóa, các kim loại quý sẽ hưởng lợi từ hành động của Fed. Giá vàng thường ngược chiều với lãi suất vì nhu cầu đầu tư vào vàng tăng lên khi lãi suất thấp. Các kim loại cơ bản như đồng cũng hưởng lợi. Lãi suất thấp hơn và đồng USD có thể yếu hơn giúp giá kim loại giảm, từ đó kích cầu.

Nam Sơn

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/fed-giam-lai-suat-va-nhung-tac-dong-den-nen-kinh-te-the-gioi-34763.html