Fed cắt giảm lãi suất có thể tăng áp lực nới lỏng tiền tệ cho Việt Nam
Dù cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ 'để mắt' đến rủi ro lạm phát, song chuyên gia UOB cho rằng việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với NHNN để xem xét nới lỏng chính sách một cách tương tự.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản là một bất ngờ so với dự báo của tổ chức này (trước đó, UOB dự báo kịch bản cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản).
“Sau cuộc họp FOMC vào tháng 9, chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm 2024, trong đó chúng tôi dự báo sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2024 (tức là hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, mỗi lần vào ngày 24/11 và ngày 24/12 của FOMC). Chúng tôi duy trì kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý)” – chuyên gia UOB dự báo.
Điểm khác biệt trong dự báo của UOB so với Fed là mức lãi suất cuối cùng mà ngân hàng này dự báo là 3,25%, dự kiến sẽ đạt được vào đầu năm 2026 so với quan điểm dài hạn của Fed là 2,9%.
“Nhưng như chúng tôi đã chỉ ra trước đó, Fed đã nâng mức trung vị trong dài hạn của Lãi suất mục tiêu (FFTR) trong hai Biểu đồ chấm (Dotplot) gần đây nhất, vì vậy chúng tôi sẽ không ngạc nhiên khi lãi suất mục tiêu dài hạn sẽ được nâng lên mức 3,0% trong các báo cáo tiếp theo, do đó có khả năng hội tụ về mức dự báo lãi suất cuối cùng của chúng tôi” - ông Suan nói.
Về ảnh hưởng tới Việt Nam, theo nhận định của ông Suan Teck Kin, bất chấp tác động của cơn bão vừa qua và tỷ giá VND phục hồi đáng kể kể từ tháng 7, ông vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lãi suất chính sách chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024, vì cơ quan này vẫn để mắt đến những rủi ro về lạm phát.
Tính từ đầu năm đến tháng 8, CPI chung tăng 4% so với cùng kỳ năm trước tính, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận có mục tiêu hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.
Do đó, UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% hiện tại trong khi tập trung vào việc tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
“Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ công bố tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng (và áp lực) đối với Ngân hàng Nhà nước để xem xét nới lỏng chính sách một cách tương tự” – chuyên gia UOB nhận định.