Fed hạ lãi suất nhưng dòng tiền sẽ vẫn 'khó tính' với thị trường chứng khoán Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng mặc dù khả năng Fed hạ lãi suất gần như là chắc chắn trong tháng 9 này, nhưng không có nghĩa thời kỳ tiền rẻ, tiền dễ đã đến. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Dòng tiền chưa “dễ tính”

Theo quan sát, suốt từ đầu năm đến nay, ngoại trừ tháng 3 và tháng 8, thì xu hướng thanh khoản thị trường chứng khoán là giảm dần đều qua các tháng, bất chấp tỷ lệ margin cao nhất lịch sử. Không chỉ vậy, nhà đầu tư cũng bán ròng kỷ lục.

Trong khi chứng khoán Mỹ liên tục phá đỉnh thì trong nước, mặc dù ổn định tiền tệ của chúng ta rất tốt nhưng thị trường lại không thể bứt phá. Những diễn biến này, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, là đáng lo, cũng là lý do tại sao VN-Index một thời gian dài chưa thể vượt mốc 1.300 điểm.

Lý giải, ông Khánh cho rằng, mặc dù xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương đang diễn ra mạnh mẽ và khả năng sẽ kéo dài đến năm 2026, song thực tế thì kỷ nguyên tiền rẻ chưa bắt đầu. Nguyên nhân là lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ vẫn còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trung tính (khoảng 2,5-3%). Để kỷ nguyên tiền rẻ bắt đầu, lãi suất của các ngân hàng trung ương phải kéo giảm về dưới mức này - tức phải giảm 50% lãi suất hiện hành.

“Kỳ vọng kỷ nguyên tiền rẻ quay lại để kích hoạt thị trường tài chính, khiến thị trường tài sản “phi như điện” là rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp tài sản như chứng khoán, vàng, tài sản số… đều đang ở đỉnh như hiện nay”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Riêng về thị trường chứng khoán, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho biết, hiện nay, mặc dù Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất nhưng dòng tiền vẫn đang không quá nhiều, đều có xu hướng thu hẹp cả hành động bán lẫn mua, không mở rộng danh mục.

Trong khi đó, khi Mỹ hạ lãi suất thì ở giai đoạn đầu, dòng tiền thường tìm đến các thị trường phát triển, trong đó Mỹ luôn luôn là lá cờ đầu, sau đó mới tìm đến các thị trường có quy mô nhỏ hơn, trong đó những thị trường như khu vực Đông Nam Á và Việt Nam thường sẽ là điểm đến cuối cùng.

“Do vậy, trong thời kỳ đầu của chu kỳ hạ lãi suất, dòng tiền có xu hướng khó tính với thị trường chúng ta, nhưng khi bối cảnh vĩ mô rõ ràng hơn, bước vào chu kỳ phát triển ổn định thì tôi tin dòng tiền sẽ dễ tính hơn, sẽ tìm đến những kênh rủi ro và thị trường sẽ tích cực trở lại” – vị chuyên gia nhận định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bước qua giai đoạn khó khăn

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa bước qua giai đoạn khó khăn

Theo ông Hiếu, nếu không có những biến cố lớn bên ngoài thì có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mới vừa qua giai đoạn tạo đáy và đang rất khó khăn trong ngắn hạn. “ Việc mua đi bán lại giai đoạn này thì đang rất khó. Nhưng về dài hạn, sự khó khăn trong chu kỳ đầu hồi phục là thường xuyên xảy ra và sẽ giảm bớt” – ông Hiếu kỳ vọng.

Đa dạng hóa các lớp tài sản, danh mục đầu tư

Khuyến nghị về hành động đầu tư, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên đa dạng danh mục đầu tư, điều này đúng trong mọi thời điểm. “Các nhà đầu tư nên có một cấu trúc đầu tư đa lớp tài sản để tránh biến động” – ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) khuyến nghị.

Đi sâu về cổ phiếu, ông Tuấn cho rằng, các nhà đầu tư, đặc biệt là F0, phải xem khả năng kinh nghiệm, thời gian, chuyên môn của mình để lựa chọn phương thức đầu tư. Có thể chủ động có danh mục đầu tư của mình, có thể thụ động qua các chứng chỉ quỹ.

Với danh mục đầu tư chủ động thì quan trọng là phải chọn nhóm ngành, có khả năng phân tích. “Tại AFA Capital, chúng tôi lọc ra trong hơn 2.000 doanh nghiệp niêm yết thì danh mục của chúng tôi chỉ có 60 doanh nghiệp, trong đó, chúng tôi phân bổ thành các nhóm và ở một thời điểm không bao giờ quá 60 doanh nghiệp. Ở 60 doanh nghiệp này, chúng tôi cũng phân tích rất kỹ về các vấn đề như triển vọng nhóm ngành, soát xét báo cáo tài chính để tìm ra các doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng” – ông Tuấn cho biết.

Trong khi đó, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng các lớp đầu tư dựa trên những gì mình biết. Đối với vị chuyên gia này là sự đa dạng ở các lớp cổ phiếu.

“Sự hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp thời gian qua có sự phân hóa, có những nhóm ngành hồi phục ngay từ những quý đầu tiên, như thép, chứng khoán; có những ngành nghề đang hồi phục chậm như tiêu dùng, bán lẻ; nhưng cũng có nhóm ngành chưa hồi phục, thậm chí tạo đáy mới về lợi nhuận…

Sự hồi phục luân phiên đó tạo cơ hội cho chúng ta đa dạng danh mục đầu tư, đa dạng hóa các lớp cổ phiếu. Từ việc lựa chọn đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn; lựa chọn chủ điểm đầu tư là hồi phục hay tăng trưởng, hay đầu tư giá trị, tạo sự đa dạng rất tốt” – ông Hiếu chia sẻ.

Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh thì khuyến nghị nhà đầu tư phải biết quan sát và lần theo xu hướng thị trường, “dấu chân dòng tiền”, đặc biệt là dấu chân của các “cá mập”. Nguyên tắc này áp dụng trong mọi kênh đầu tư, kể cả chứng khoán, vàng, bất động sản hay trái phiếu.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/fed-ha-lai-suat-nhung-dong-tien-se-van-kho-tinh-voi-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-post589186.antd