'Fed là vấn đề lớn nhất của nền tài chính Mỹ'
Chính sách của Fed trong 10 đến 12 năm qua và việc hạ lãi suất nhìn chung đã làm cho một loạt vấn đề của các ngân hàng khu vực, rắc rối liên quan tới các khoản nợ, trần nợ tại Mỹ.
Theo Jim Grant, tác giả nổi tiếng của ấn phẩm Grant’s Interest Rate Observer, tình thế tiến thoái lưỡng nan về trần nợ, cuộc khủng hoảng hiện tại của những ngân hàng khu vực và xu hướng thiên lệch của thị trường do lãi suất cực thấp ở Mỹ có một nhân tố chung đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Từ lâu, ông Grant có quan điểm chỉ trích gay gắt đối với ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Ông nhận định rằng những năm qua Fed đã gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ. Đó là những thiệt hại mà theo mô tả của ông là tuy không chủ đích nhưng có thể lường trước được.
Theo vị tác giả nổi tiếng và cũng là một chuyên gia về thị trường tài chính cho biết thời kỳ lãi suất thấp một cách giả tạo, dao động ở mức bằng hoặc gần 0% là yếu tố làm cho môi trường tài chính đầy thách thức mà nhiều nhà đầu tư đang phải chật vật đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Ông Grant nhận định: “Chính sách của Fed trong vòng 10 đến 12 năm qua và việc hạ lãi suất nhìn chung đã gieo mầm cho một loạt vấn đề của các ngân hàng khu vực, rắc rối liên quan tới các khoản nợ và trần nợ”.
Ông Grant nói trong một cuộc phỏng vấn với trang MarketWatch rằng: Tôi cho rằng việc ghìm giảm lãi suất đã bóp méo đủ thứ trong nền kinh tế. Việc này bóp méo hoạt động gửi tiết kiệm, khiến người người nhà nhà lao vào như thể đang phải quỳ gối soi đèn pin dưới đống đồ đạc của mình để kiếm lời từ khoản tiết kiệm của mình.
Ông Grant cho biết, những năm gần đây, cuộc đua săn lợi nhuận khiến các nhà đầu tư bình thường rơi vào thế bị động, đồng thời cũng khiến các tổ chức tài chính mắc sai lầm, bao gồm những ngân hàng như First Republic - nơi duy trì một danh mục lớn gồm các khoản thế chấp khổng lồ của giới giàu trên bảng cân đối kế toán.
Những tài sản đó đang nằm ở khắp các ngân hàng và đã giảm giá trị đáng kể khi Fed liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua để chống lạm phát. Dù đã giảm từ mức kỷ lục ghi nhận vào tháng 6/2022, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao kéo dài với 4,9% trong tháng 5, giảm từ 5% của tháng 3.
Cụ thể, 14 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang liên tiếp 10 lần, đưa lãi suất từ mức chỉ khoảng 0-0,25% lên mức 5-5,25%, đây là mức cao nhất trong khoảng 16 năm qua. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 6 tới.
Ông Grant cho biết, sự căng thẳng trên thị trường dưới tác động của các đợt tăng lãi suất gần đây và lạm phát vẫn ở mức cao sẽ khiến Fed đối mặt nhiều tình hình phức tạp. Sự sụp đổ liên tiếp của các tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic đều cho thấy những áp lực mà hệ thống ngân hàng Mỹ đang phải đối mặt.
Những căng thẳng của hệ thống ngân hàng là một trong những hậu quả ngoài ý muốn mà ông Grant nhắc đến. Những lo lắng bên trong hệ thống ngân hàng có thể khiến các tổ chức tài chính ngần ngại trong việc cho vay, động thái này sẽ gây thêm áp lực đối với nền kinh tế đang suy giảm tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về tình hình tài chính của Chính phủ Mỹ với việc tìm cách nâng trần nợ công đang ở mức gần 31.400 tỷ USD cũng làm dấy lên quan ngại về sự bất ổn tài chính. Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều dự báo rằng Mỹ sẽ có thể rơi vào suy thoái. Một chỉ báo của Ngân hàng Dự trữ New York cho biết, khả năng nền kinh tế lớn nhất suy thoái trong vòng 12 tháng tới là khoảng 68%.
Ông Grant cho biết, kể cả khi Fed dừng tăng lãi suất vào tháng 6 tới cũng chưa rõ sẽ dừng trong bao lâu, bởi theo nhiều thước đo thì cuộc chiến chống lạm phát của cơ quan liên bang này vẫn chưa chấm dứt.
Lạm phát lõi tháng 4 tại Mỹ, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 5,5% so với một năm trước, mức tăng thấp hơn so với tháng 3 nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát lõi được xem là một chỉ báo tốt hơn về lạm phát trong tương lai.
Gần đây, Thống đốc Michelle Bowman, thành viên ban điều hành của Fed cho biết rằng, bà không ủng hộ việc giữ ổn định lãi suất trong phần còn lại của năm nay.
Bà Bowman phát biểu tại một hội nghị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt (Đức) rằng: “Theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo việc làm gần đây nhất không phải là những bằng chứng nhất quán cho thấy lạm phát đang trên đà giảm và tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dữ liệu sắp tới để xem xét quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong cuộc họp tháng 6 tới của Fed”.
Trong khi đó, ông Grant tin rằng thị trường đã quen với lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài, đồng thời cho rằng, bảng cân đối kế toán của Fed giống hệt như của các ngân hàng như First Republic.
Ông nói: Tất nhiên Fed không phải First Republic Bank nhưng bảng cân đối kế toán của họ giống hệt của ngân hàng này cũng như SVB, trong đó kiếm được 2% từ tài sản và mất 4-5% để trả nợ.
Ông Grant cho biết: “Tôi cho rằng việc mua lại trái phiếu để giảm lãi suất trong dài hạn, với hy vọng làm tăng giá tài sản và từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế nhờ các đối tượng của nền kinh tế chi tiêu tiền lãi từ vốn đầu tư của họ là một ý tưởng rất nguy hiểm trong dài hạn. Cách làm này sẽ không hiệu quả”.