Fed lại tăng mạnh lãi suất nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cuộc chạy nước rút để đảo ngược chính sách nới lỏng định lượng bằng quyết định tăng mạnh lãi suất một cách bất thường. Đồng thời, Fed cũng báo hiệu sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong thời gian tới để kìm hãm lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp ở Washington, Mỹ hôm 27-7. Ảnh: EPA

Chủ tịch Fed, Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp ở Washington, Mỹ hôm 27-7. Ảnh: EPA

Hôm 27-7, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm liên biên độ 2,25-2,5%. Quyết định này nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 12 thành viên FOMC.

Trong một tuyên bố về chính sách sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, các quan chức Fed thừa nhận các hoạt động kinh tế có dấu hiệu chậm lại kể từ cuộc họp của cơ quan này vào tháng trước. “Các chỉ số về chi tiêu và sản xuất gần đây đã suy yếu. Tuy nhiên, việc làm đã tăng mạnh mẽ trong những tháng gần đây”, Fed thừa nhận.

Các quan chức Fed cũng đánh giá, việc tăng lãi suất tiếp là phù hợp với tình hình. Trong cuộc họp báo hôm qua, Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói: “Dù là một đợt tăng lãi suất mạnh bất thường khác trong cuộc họp lần sau của chúng tôi thì cũng là phù hợp, mức tăng cụ thể sẽ dựa vào dữ liệu kinh tế. Hiện nay, thị trường lao động cực kỳ chặt chẽ và lạm phát quá cao”.

Tuy nhiên, ông lưu ý đến một thời điểm nào đó, sau khi các điều chỉnh chính sách ngấm vào nền kinh tế và giúp hạ nhiệt lạm phát, tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại.

Các quan chức Fed đang tăng lãi suất với tốc độ mạnh mẽ nhất kể từ thập niên 1980 với các quyết định tăng lãi suất tại bốn cuộc họp chính sách liên tiếp, bắt đầu từ tháng 3 khi họ bắt đầu nâng lãi suất từ mức gần zero. Tháng trước, Fed cũng đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh chưa từng thấy kể từ năm 1994.

Lạm phát của Mỹ đã tăng nhanh kể từ tháng 3 -2021 do nhu cầu tăng lên sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và chính phủ tích cực tung ra các chính sách kích thích. Lạm phát càng tăng nhiệt khi cuộc chiến Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa tăng trong năm nay.

Tại cuộc họp vào tháng trước, các quan chức Fed nhất trí rằng, có thể cần phải tăng lãi suất lên mức ít nhất 3% trong năm nay.

Hồi đầu tháng 7, Bộ Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng đến 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này khiến giới đầu tư suy đoán Fed có thể tăng lãi suất đến 1 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này.

Giới đầu tư đang đặt cược Fed có thể nâng lãi suất lên mức 3,5% vào cuối năm nay trước khi đảo ngược tiến trình bằng cách hạ lãi suất vào năm sau.

Kể từ khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào tháng trước, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải chạy đua tăng lãi suất để hạn chế các tác động tỷ giá có thể khiến tình hình lạm phát tồi tệ hơn. Giá dầu và hàng hóa nguyên liệu nói chung cũng giảm khá mạnh trước nỗi lo kinh tế suy thoái.

Lãi suất chuẩn của Fed (áp dụng cho lãi suất qua đêm đối với các khoản vay giữa các ngân hàng) đã ảnh hưởng đến chi phí đi vay trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm lãi suất với các khoản thế chấp bất động sản, thẻ tín dụng và các khoản vay kinh doanh. Việc tăng lãi suất làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạ nhiệt lạm phát nhờ tác động giảm giá tài sản, tăng chi phí vay của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đầu tư, tuyển dụng và chi tiêu.

Thị trường nhà ở, một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất, là tâm điểm trong nỗ lực của Fed nhằm kích thích tăng trưởng vào năm ngoái và nỗ lực giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Giá nhà ở Mỹ tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ nhưng doanh số bán nhà đang giảm do giá đắt đỏ.

Hôm 27-7, Hiệp hội các ngân hàng cho vay thế chấp Mỹ (MBA) cho biết, lãi suất thế chấp cố định trung bình trong 30 năm đang đứng ở mức 5,74% vào tuần trước, gần mức cao nhất trong 14 năm qua. Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia Mỹ ghi nhận chỉ số đo lường các hợp đồng được ký kết để mua nhà trong tháng 6 giảm 8,6% so với tháng 5 và thấp hơn 20% so với mức của một năm trước đó.

Các số liệu kinh tế khác vẽ nên một bức tranh phức tạp về nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng suy thoái đang xuất hiện. Sản lượng ngành sản xuất Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 6 và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào đầu tháng 7 giảm xuống thấp gần mức kỷ lục.

Tuy nhiên, trong năm nay, các doanh nghiệp vẫn tuyển dụng mạnh mẽ, giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ duy trì ở mức thấp 3,6% trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6.

Chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng mạnh trong suốt phần lớn tiến trình phục hồi từ cơn suy thoái do khủng hoảng của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, sức chi tiêu đó đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Hồi đầu tuần này, Tập đoàn bán lẻ Walmart cho biết, đang giảm giá bán để giảm lượng hàng tồn kho tại chuỗi siêu thị chính của tập đoàn này và chuỗi cửa hàng Sam’s Club đồng thời cảnh báo giá thực phẩm và khí đốt cao hơn đang khiến người tiêu dùng hạn chế những khoản chi tiêu khác.

Quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed không nằm ngoài dự báo của giới phân tích và các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực khi Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại ở một thời điểm nào đó.

Giới đầu tư cũng được trấn an sau khi ông Powell nói ông không tin nền kinh tế Mỹ đang rơi vào cơn suy thoái. “Có nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang vận hành quá tốt”, ông nói.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,4%. Hai chỉ số khác, S&P 500 và Nasdaq Composite, thậm chí còn tăng mạnh hơn, với mức tăng lần lượt 2,62% và 4,06%.

Theo Wall Street Journal, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/fed-lai-tang-manh-lai-suat-nhung-chung-khoan-my-van-tang-diem/