Fed lần thứ 3 giữ nguyên lãi suất – thị trường phản ứng tích cực

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm qua (13/12) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 22 năm, đem lại kỳ vọng Mỹ có thể giảm lãi trong thời gian tới. Thị trường toàn cầu đã có những phản ứng tích cực sau quyết định của Fed.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã quyết định không nâng lãi suất, giữ mức lãi suất tại Mỹ ở khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001. Đây là lần thứ 3 Fed quyết định không tăng lãi suất kể từ tháng 9. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất.

Sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường mở đã bổ sung thêm rằng lạm phát đã “giảm bớt trong năm qua”, trong khi vẫn đánh giá quy mô giá cả là “tăng khá cao”. Các quan chức Fed nhận định lạm phát lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) sẽ giảm xuống 3,2% vào năm 2023 và 2,4% vào năm 2024, sau đó xuống 2,2% vào năm 2025. Cuối cùng, nó sẽ quay trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026.

Các thành viên Ủy ban cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP lên 2,6% vào năm 2023, tăng nửa điểm phần trăm so với lần cập nhật tháng 9. Trong khi GDP năm 2024 sẽ ở mức 1,4%. Cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đưa ra dự kiến cắt giảm lãi suất ít nhất 3 đợt trong năm 2024. Dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể được thực hiện vào tháng 3 năm tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo hôm 13/12. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo hôm 13/12. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn tỏ ra rất thận trọng: “Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta ghi nhận thị trường lao động đang cân bằng trở lại và chúng ta đang thấy tình hình lạm phát đang cải thiện thực sự. Đây là những điều chúng tôi muốn thấy. Song, chúng ta vẫn còn con đường dài để đi. Không ai có thể tuyên bố chiến thắng. Điều đó sẽ là quá sớm và chúng ta không thể đảm bảo được điều này. Vì vậy, chúng tôi thận trọng trong việc đưa ra đánh giá xem liệu chúng tôi có cần phải làm nhiều hơn hay không".

Mặc dù liên tục ghi nhận dấu hiệu tích cực, song một số chuyên gia kinh tế nhận định “chặng cuối này” mới là giai đoạn khó khăn nhất. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác đều không loại trừ khả năng tiếp tục nâng lãi suất. Trong buổi họp báo sau phiên họp, ông Powell cho biết quá trình thắt chặt chính sách lịch sử có thể đã chấm dứt, song vẫn không loại trừ khả năng nâng lãi, mặc dù xác suất không cao.

“Lập trường của chúng tôi về thắt chặt chính sách tiền tệ đang giảm bớt áp lực cho hoạt động kinh tế và lạm phát. Ủy ban đã quyết định tại cuộc họp là duy trì lãi suất liên bang ở mức 5,25% đến 5,5% và tiếp tục quá trình giảm đáng kể việc nắm giữ chứng khoán. Mặc dù chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách của chúng tôi có thể đạt hoặc gần đạt mức đỉnh trong chu kỳ thắt chặt này, song không có điều gì có thể nói trước. Chúng tôi sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa, nếu cần thiết, để đưa lạm phát xuống mức 2% một cách bền vững theo thời gian và duy trì chính sách hạn chế cho đến khi đạt được mục tiêu đó" - Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh.

Sau tin tức của Fed, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng vọt hơn 400 điểm, lập kỷ lục mới trong phiên ngày 13/12. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1%, dẫn đầu là cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng tăng 1,1%.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm vào sáng nay, với chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,32% trong phiên giao dịch buổi sáng buổi sáng, Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,18%. Chỉ số giá chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) cũng tăng 1,43% ngay đầu phiên giao dịch sáng nay.

Giá vàng giao dịch tương lai cũng tăng nhẹ do đồng USD có xu hướng suy yếu. Động thái giữ nguyên lãi suất và kỳ vọng giảm trong năm tới được xem là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời tác động lớn đến thị trường toàn cầu.

CTV Mỹ Linh/VOV1 Theo CNN, Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/fed-lan-thu-3-giu-nguyen-lai-suat-thi-truong-phan-ung-tich-cuc-post1065406.vov