Fed liên tục giảm lãi suất khẩn cấp nhưng dư địa giảm lãi suất của Việt Nam không nhiều
Áp lực từ việc Fed tung gói hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm giảm lãi suất cơ bản thêm 1 điểm % có thể khiến cơ quan quản lý xem xét giảm nhẹ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn.
Đây là nhận định được TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra trong một báo cáo vừa phát hành.
Trước đó, đêm 15/3/2020 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế chưa từng có, gồm nhiều công cụ khác nhau, mà không cần chờ đến cuộc họp chính thức ngày 17-18/3.
Theo đó, gói hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ của Fed, gồm 4 biện pháp chính: Tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản về mức 0-0,25%; Áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) lên tới 700 tỷ USD thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán được thế chấp bằng nhà ở; Hạ lãi suất cho vay tái chiết khấu 1,25 % xuống còn 0,25% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% (hiệu lực từ 26/3/2020); Khởi động kế hoạch hoán đổi tiền tệ (SWAP) đối với các NHTW Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu và Thụy Sỹ.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Trước đó, ngày 3/3, Fed đã cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống mức 1-1,25%.
Dư địa hạ lãi suất không nhiều
Đánh giá về tác động gói hỗ trợ của Fed tới nền kinh tế - tài chính Việt Nam, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng có 3 tác động chính.
Thứ nhất, việc Fed và ngân hàng trung ương các nước liên tiếp hạ lãi suất cơ bản trong thời gian qua sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành đối với cơ quan quản lý của Việt Nam.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều. Nguyên nhân là do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, cái mà người dân và doanh nghiệp đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.
Vì vậy, theo nhóm tác giả, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn - hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).
“Áp lực này có thể khiến cơ quan quản lý xem xét giảm nhẹ lãi suất điều hành, nhưng cần lưu ý là tác động sẽ không nhiều và dư địa giảm lãi suất của Việt Nam hiện nay khá eo hẹp do áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%)” – nhóm nghiên cứu nhận định.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu (tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1% (cùng kỳ tăng 0,85%, theo NHNN).
Tỷ giá ít chịu tác động
Thứ hai, động thái của Fed lúc này tác động không đáng kể đến tỷ giá USD/VND. Động thái của Fed lần này cho thấy nền kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn khó khăn cùng với lãi suất USD giảm sẽ làm giảm độ hấp dẫn của đồng USD, khiến đồng USD giảm giá. Do đó, áp lực đối với tỷ giá USD/VND dự báo sẽ giảm hơn so với trước, nhưng yếu tố tâm lý có thể làm tăng áp lực tỷ giá.
Thứ ba, động thái này của Fed sẽ có tác động hai chiều đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Một mặt thanh khoản dồi dào hơn, dòng tiền đầu tư tìm đến những thị trường an toàn hơn, ít chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Mặt khác, nhà đầu tư cũng chịu tác động tâm lý khá lớn, có thể khiến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam sụt giảm. Vì vậy, việc hoàn thành tốt “mục tiêu kép” như các nghị quyết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng với hành động kịp thời trấn an tâm lý nhà đầu tư và quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ là động lực tích cực quan trọng cho thị trường chứng khoán trong năm nay.