FED ngừng tăng lãi suất: Đồng USD giảm sâu ở thế giới, trong nước tăng mạnh
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất khiến đồng USD giảm sâu ở thị trường thế giới nhưng lại tăng mạnh trong nước.
USD giảm sâu, Euro lên đỉnh 15 năm
Trong đêm 14/6 (theo giờ Việt Nam), FED công bố thông tin đã được dự báo trước. Đó là ngừng tăng lãi suất. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, FED giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp chính sách.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên bang) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - thống nhất giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 5 - 5,25% sau 10 lần tăng liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, đồng Euro lại tăng vọt sau động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, vào hôm thứ Năm, ECB tăng lãi suất lần thứ tám liên tiếp và phát tín hiệu thắt chặt hơn nữa để đưa lạm phát khu vực đồng Euro về mục tiêu trung hạn là 2%. ECB đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), như dự kiến, lên 3,5%, mức cao nhất trong 22 năm.
Kết quả là đồng Euro chạm mức cao nhất trong 15 năm so với đồng yên và mức cao nhất trong 5 tuần so với đồng đô la.
Chỉ số đô la (DXY) đo lường tiền tệ so với rổ các loại tiền tệ chính khác, cuối cùng đã giảm 0,8% xuống 102,13. Trước đó trong phiên, chỉ số này đã giảm xuống 102,08, mức thấp nhất trong 5 tuần.
“Rủi ro dường như nghiêng về phía thua lỗ nhiều hơn (đối với đồng đô la)… Đồng USD phá vỡ mức thấp mới”, Shaun Osborne, Giám đốc chiến lược ngoại hối, tại Scotiabank ở Toronto, cho biết (chỉ số đô la) ít nhiều có vẻ được định giá khá hợp lý, dựa trên chênh lệch hai năm so với các đồng tiền chính của nó.
"Ngoài triển vọng ngắn hạn về lãi suất, đồng đô la Mỹ có thể đang đối mặt với một môi trường khó khăn hơn. Chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu đang đi đến hồi kết. Đôi khi chúng tôi đã giả định rằng đỉnh chu kỳ lãi suất sẽ là một tiêu cực đối với lợi suất đỉnh của đồng đô la sẽ thúc đẩy việc chấp nhận rủi ro và khuyến khích các nhà đầu tư triển khai vốn ra khỏi đồng đô la Mỹ”, Shaun Osborne đưa ra cái nhìn kém lạc quan về USD.
Đồng USD trong nước tăng mạnh
Trong khi đó, ở thị trường trong nước, đồng USD lại có xu hướng ngược dòng thế giới và tăng mạnh.
Cụ thể, sau động thái từ FED, trong ngày 15/6, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng tỷ giá 30 đồng/USD lên 23.360 đồng/USD – 23.700 đồng/USD. Tới sáng 16/6, tỷ giá tăng tiếp 10 đồng/USD lên 23.370 đồng/USD – 23.710 đồng/USD.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, tỷ giá đang được niêm yết ở mức: 23.390 đồng/USD – 23.690 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên 14/6.
Sau khi lãi suất đồng USD được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam tăng mạnh, tăng 35 đồng/USD. Tới sáng 16/6, đồng USD tăng thêm 1 đồng/USD lên 23.380 đồng/USD – 23.715 đồng/USD.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ngay sau khi FED công bố giữ nguyên lãi suất, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng 30 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán. Tới sáng nay 16/6, tỷ giá tại VietinBank tăng 48 đồng/USD chiều mua vào nhưng giảm 32 đồng/USD chiều bán ra lên 23.373 đồng/USD – 23.713 đồng/USD.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang niêm yết giá USD ở mức: 23.390 đồng/USD – 23.690 đồng/USD, không đổi so với hôm qua nhưng tăng 30 đồng/USD so với ngày 14/6.
Trên thị trường tự do, đồng USD cũng ngược chiều với thế giới.
Tại Hàng Bạc, Hà Trung, những “phố vàng”, “phố ngoại tệ” ở Hà Nội, tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức cao hơn trước đây nhưng vẫn thấp hơn trên hệ thống ngân hàng. Đồng USD được mua bán phổ biến ở mức: 23.500 đồng/USD – 23.550 đồng/USD. Ở các cửa hàng khác nhau, mức chênh là khoảng 10 đồng/USD. Cách đây khoảng một tháng, tỷ giá trên thị trường tự do thường xuyên ở mức 23.400 đồng/USD -23.470 đồng/USD.
Công ty chứng khoán Yuanta đánh giá một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá cần theo dõi như lạm phát các nước phát triển vẫn đang ở mức cao và việc Trung Quốc mở cửa trở lại; FED có thể kéo dài việc tăng lãi suất hơn.