Fed quan ngại lạm phát do các chính sách của ông Trump

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, đề xuất chính sách ban đầu của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại tại Fed về lạm phát cao hơn, khi các công ty nói với Fed rằng họ thường sẽ tăng giá để chuyển chi phí thuế nhập khẩu.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed

Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed

Lo ngại lạm phát

Tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 28-29/1, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25%-4,50% và không đưa ra nhiều thông tin về thời điểm cắt giảm tiếp lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất mạnh, trong khi lạm phát vẫn đứng ở mức cao.

Biên bản cuộc họp vừa được công bố hôm 19/2 còn cho thấy, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) “nói chung chỉ ra những rủi ro tăng đối với triển vọng lạm phát”, thay vì rủi ro đối với thị trường việc làm. “Đặc biệt, các thành viên đã nêu ra những tác động có thể xảy ra của những thay đổi tiềm ẩn trong chính sách thương mại và nhập cư, khả năng diễn biến địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc chi tiêu hộ gia đình mạnh hơn dự kiến”.

Cũng theo Biên bản cuộc họp, mặc dù vẫn tin rằng áp lực giá cả sẽ giảm bớt trong những tháng tới, song các thành viên cũng lo ngại “các yếu tố khác được nêu ra là có khả năng cản trở quá trình giảm phát”, bởi “các mối quan hệ kinh doanh tại một số quận (của Fed) đã chỉ ra rằng các công ty sẽ cố gắng chuyển cho người tiêu dùng chi phí đầu vào cao hơn phát sinh từ các mức thuế tiềm ẩn”.

Các thành viên cũng lưu ý rằng một số thước đo về kỳ vọng lạm phát, một trong những yếu tố được Fed theo dõi sát, “đã tăng lên gần đây”.

Trong các bình luận với Yahoo Finance sau khi Biên bản cuộc họp được công bố, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã giải thích về mớ bòng bong các vấn đề mà Fed đang cố gắng giải quyết. Hiện các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang nói với các quan chức Fed rằng họ muốn tăng giá, nhưng không chắc chắn người tiêu dùng sẽ phản ứng như thế nào. Trong khi mặc dù thuế quan có thể làm tăng chi phí, nhưng việc bãi bỏ quy định đối với một số ngành có thể bù đắp những áp lực đó.

Tại thời điểm này, Bostic cho biết, kết quả ròng đối với các nhà hoạch định chính sách là ít tự tin hơn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. “Tôi đã có triển vọng rằng năm 2025 sẽ diễn ra ở mức rất tích cực. Chúng ta sẽ thấy tăng trưởng vững chắc. Chúng ta sẽ thấy lạm phát tiếp tục tăng lên 2%, chúng ta sẽ thấy thị trường lao động vẫn vững chắc”, Bostic cho biết. Tuy nhiên, “hiện, tất cả những thay đổi tiềm tàng này... có nghĩa là các dải niềm tin, độ chính xác của ước tính đó ... đã giảm đi phần nào và chúng ta sẽ phải xem mọi thứ diễn ra như thế nào".

Không sớm giảm lãi suất

Các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp tháng 1 đã nhất trí rằng, nên giữ nguyên lãi suất cho đến khi rõ ràng rằng lạm phát sẽ chắc chắn giảm xuống mục tiêu 2% của Fed. Sự không chắc chắn xung quanh các kế hoạch của Trump đã làm tăng thêm sự miễn cưỡng của họ trong việc giảm lãi suất thêm nữa.

Trong các phát biểu trước công chúng sau cuộc họp tháng 1, nhiều quan chức đã nói rằng họ không vội cắt giảm lãi suất một lần nữa cho đến khi họ chắc chắn hơn rằng lạm phát sẽ giảm xuống mục tiêu 2%. Hiện thị trường tài chính cũng đang đặt cược nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong năm 2025 vào tháng 7.

“Rõ ràng từ biên bản cuộc họp cho thấy, việc cắt giảm lãi suất sẽ không diễn ra sớm và Fed có thể sẽ đợi một số vấn đề về thuế quan lắng xuống trước khi đưa ra hướng dẫn tốt hơn về tương lai”, Ryan Sweet - Nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics cho biết. “Biên bản cuộc họp ủng hộ những thay đổi gần đây đối với dự báo cơ sở của chúng tôi rằng Fed sẽ thận trọng trong năm nay, chỉ cắt giảm lãi suất một lần vào tháng 12”.

Nhà kinh tế này cũng lưu ý thêm, “vài” quan chức thậm chí còn ám chỉ rằng có thể không còn nhiều dưa địa để cắt giảm lãi suất nữa, xét đến sự không chắc chắn về điểm dừng hợp lý của Fed có thể là ở đâu.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách tháng 12/2024, các nhân viên Fed đã thay đổi triển vọng của họ khi chỉ ra tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn dự kiến dựa trên "giả định tạm thời" về các hành động có thể xảy ra của Trump khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã triển khai ngay những cam kết thuế quan trong chiến dịch tranh cử của mình ngay những ngày đầu nhậm chức, bao gồm đề xuất áp thuế 25% đối với Canada và Mexico, và lệnh đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy chính sách tài khóa có thể tác động đến quá trình ra quyết định của Fed như thế nào, Biên bản cho biết, “nhiều” nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng, có thể cân nhắc làm chậm hoặc tạm dừng việc Fed đang thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình theo “động thái trần nợ” của liên bang.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/fed-quan-ngai-lam-phat-do-cac-chinh-sach-cua-ong-trump-160649.html