FED quyết định hạ lãi suất sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo chuyên gia, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, tỷ giá hạ nhiệt thì Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Thị trường chứng khoán vốn thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng vĩ mô, thường sẽ có diễn biến tích cực.

Xung quanh việc FED hạ lãi suất sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC.

* PV: Thưa ông, các chỉ số kinh tế tiếp tục phục hồi và có những diễn biến tích cực, nhưng dường như thị trường chứng khoán lại không phản ánh điều đó. Ông nhận định như thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây?

Ông Bùi Văn Huy: Hiện tại, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tương đối ổn định, thể hiện qua chỉ số PMI duy trì trên mức 50, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi tỷ lệ lạm phát và tỷ giá có xu hướng giảm nhiệt. Những yếu tố này đang hỗ trợ cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường cần thời gian để hấp thụ các thông tin tích cực liên tiếp.

Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC.

Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty chứng khoán DSC.

Ngoài ra, rủi ro suy thoái kinh tế tại Mỹ cũng là yếu tố khiến thị trường chứng khoán trong nước chững lại. Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu suy yếu nhanh, gây lo ngại cho nhà đầu tư về khả năng suy thoái. Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để kết luận một cuộc suy thoái sẽ diễn ra. Trong thời gian tới, khi dữ liệu kinh tế vĩ mô mới của Mỹ được công bố, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, và kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.

FED quyết định hạ lãi suất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: T.L

FED quyết định hạ lãi suất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam Ảnh: T.L

Yếu tố cuối cùng có thể làm thị trường chứng khoán chưa bứt phá là do chúng ta đang thiếu những động lực và kỳ vọng mới trong tương lai. Chứng khoán luôn dựa trên kỳ vọng, nhưng hiện tại, chúng ta thiếu những yếu tố mới để thúc đẩy thị trường. Việc FED có thể giảm lãi suất vào tháng 9 hoặc kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ có thể tạo ra động lực mới cho thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

* PV:Tỷ giá hạ nhiệt được đánh giá là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán cũng như sự quay lại của dòng vốn ngoại, vì sao nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng?

Ông Bùi Văn Huy: Trước tiên, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt dần từ đỉnh áp lực thời điểm tháng 5, hiện tại ghi nhận đạt 24.670 VND/USD (-1,92% MoM). Hiểu đơn giản, tiền Việt Nam đang tăng giá trị ảnh hưởng chính nhờ sự suy yếu của chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh (DXY). Điều này thực chất gây một số phản ứng trái chiều giảm cạnh tranh về giá cả trên thị trường xuất khẩu; giảm động lực đầu tư (mua vào) của dòng vốn nước ngoài trong ngắn hạn.

Ở chiều bán ròng trên thị trường chứng khoán, nguyên nhân chính của dư địa khối ngoại bán ròng “dai dẳng” đến từ chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế. Chi tiết, lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam đạt ~4,5%/năm, trong khi tại Mỹ đạt 5,2%/năm. Hiệu ứng “swap âm" (swap - được hiểu là một khoản phí cho phần chênh lệch lãi suất qua đêm) khiến cho nhu cầu rút vốn để đầu tư tại nơi có lãi suất cao là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy, tôi cho rằng áp lực rút ròng đã giảm dần, sức chống chọi của VN-Index là rất tốt. Cụ thể, quy mô rút vốn trong tháng 5 – tháng 6 lên đến 16 nghìn tỷ đồng, và giảm dần trong tháng 7 (-8,3k nghìn tỷ), tháng 8 (-3,6 nghìn tỷ).

* PV: Trong trường hợp FED quyết định hạ lãi suất sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?

Ông Bùi Văn Huy: Trước tiên, để hiểu rõ hơn về bản chất vấn đề, chúng ta cần phải xét về góc độ vĩ mô trước. Khi FED bắt đầu hạ lãi suất, điều này đồng nghĩa chính sách tiền tệ của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng sau một thời gian dài thắt chặt để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Đây là kết quả của việc lạm phát hạ nhiệt, cũng như nền kinh tế của Mỹ đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu suy yếu.

Xét về góc độ tích cực, nền kinh tế Mỹ sau khi chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng sẽ dựa vào tham chiếu là chính sách tiền tệ của Mỹ và các chỉ số kinh tế - xã hội của chính quốc gia đó để điều chỉnh lãi suất. Thực tế các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu cũng đã hạ lãi suất trước Mỹ, trong đó có các quốc gia châu Âu, Canada, Úc,…

Việt Nam cũng vậy, khi FED giảm lãi suất, tỷ giá hạ nhiệt thì NHNN cũng sẽ có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, dù vậy tôi tin rằng cũng phải có một sự cân đối nhất định. Và thị trường chứng khoán, vốn thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng vĩ mô, thường sẽ có diễn biến tích cực.

Tuy nhiên hiện cũng có những lo ngại hạ lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán suy giảm, bởi họ cho rằng FED đã giữ lãi suất ở mức cao quá lâu và hạ lãi suất là kết quả của suy thoái kinh tế. Nếu nhìn sự việc theo góc nhìn này thì việc hạ lãi suất sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam vì Mỹ là thị trường xuất nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Tôi cho rằng xác suất này tương đối thấp, khả năng cao Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”, vì thực chất nền kinh tế Mỹ dù đã suy yếu so với trước nhưng vẫn mạnh mẽ. Các nhà hoạch định chính sách tại Fed cũng nhấn mạnh rằng, số liệu về thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 7 dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với mức chuẩn của những năm qua.

* PV: Trong bối cảnh thế giới có những yếu tố khó lường tác động đến thị trường chứng khoán, theo ông, nhà đầu tư cần lưu ý gì ở giai đoạn hiện nay?

Ông Bùi Văn Huy: Có 3 vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý. Trước tiên, tình hình nền kinh tế Mỹ và bước đi của FED. Hành động của FED trong các tháng cuối năm nay là đặc biệt quan trọng và cần được theo dõi sát sao vì có thể nó sẽ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Trong trường hợp FED thực hiện cắt giảm lãi suất một cách mạnh tay thì có thể gây nên sự lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế hay không? Các chỉ số vĩ mô khác như tăng trưởng GPD, CPI, PCE của Mỹ là cần được xem xét kỹ để có bức tranh tổng quan.

Thứ hai là, hiện tại, một rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường chính là tình hình địa chính trị toàn cầu đang khá căng thẳng. Mặc dù có dấu hiệu cho thấy các xung đột tại Trung Đông có thể giảm dần trong tương lai, nhưng những diễn biến này vẫn khó đoán và khó dự báo. Một cuộc chiến quy mô lớn có thể khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát, làm cho FED gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Và thứ ba, đó là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi). Đây là yếu tố “thiên nga đen” bất ngờ trong nước khi cơn bão tác động trực tiếp vào miền Bắc. Các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp, bất động sản bị ảnh hưởng lớn, cả nguồn vốn NSNN nhằm hỗ trợ khắc phục thiệt hại là không nhỏ, kéo theo rủi ro về tăng trưởng kinh tế chậm lại, không đúng theo kế hoạch./.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo chuyên gia, nhà đầu tư cần tập trung vào các nhóm ngành có câu chuyện riêng vào các quý cuối năm. Thị trường nhìn chung tương đối phân hóa, nhà đầu tư cần xem xét kỹ và chọn lọc những ngành, doanh nghiệp có tiềm năng hưởng lợi vào các quý cuối năm. (ví dụ: bán lẻ, nhóm xuất nhập khẩu, đầu tư công, bất động sản,…)/.

Hồng Quyên (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/fed-quyet-dinh-ha-lai-suat-se-tac-dong-nhu-the-nao-den-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-159675.html