Festival Mỹ thuật trẻ 2024: Người trẻ đừng vẽ già!
Đã qua 6 mùa Festival Mỹ thuật trẻ, nhưng để tìm được những tiếng nói mới, những cá tính sáng tạo mới rất hiếm, nếu không nói là khó khăn. Để khắc phục tình trạng nhạt nhòa, thiếu cá tính trong sáng tạo, tại cuộc hop báo khởi động Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ 7, nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh kêu gọi: 'Họa sĩ trẻ hãy vẽ thật trẻ trong tư duy và cách vẽ, đừng già như thế hệ cha anh mình'.
"Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024" được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện, dự kiến khai mạc vào tháng 12/2024 tại Hà Nội.
Tìm sáng tạo, đột phá mới
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Mã Thế Anh cho biết, Festival Mỹ thuật trẻ là "sân chơi" thiết thực, tạo điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, công bố, phổ biến tác phẩm và phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật, thể hiện cách nhìn riêng về đời sống đương đại, quan điểm sáng tác của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam.
Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật quan trọng trong năm 2024, với mục đích tổng kết quá trình lao động sáng tạo của các tác giả và tôn vinh tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu, xuất sắc được sáng tác từ năm 2022-2024, lứa tuổi từ 18-35.
"Đây cũng là sự kiện văn hóa đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, hưởng thụ mỹ thuật ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm; phản ánh những khó khăn, thuận lợi, cách nhìn, quan điểm sáng tác trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ trẻ Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định. Ông cũng cho rằng, chất trẻ và sự sáng tạo trong các sáng tác là định hướng khuyến khích các nghệ sĩ tham gia festival.
Đánh giá ngôn ngữ sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Mai Thị Ngọc Oanh mong các nghệ sĩ đừng như các kỳ festival trước "nửa trẻ nửa già thì không hay". Đặc biệt, bà hy vọng các tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art tham gia festival lần này sẽ có nhiều tác phẩm hay, mới mẻ, mang đến diện mạo mới hơn, trẻ hơn.
Theo họa sĩ Thành Chương, các nghệ sĩ trẻ hiện nay có nhiều lợi thế khi cánh cửa giao lưu với thế giới được mở toang, họ đón nhận nhiều thông tin, cập nhật những xu hướng mới mẻ của thế giới, tự do sáng tạo và phát triển. Đây là thời kỳ trăm hoa đua nở, nhưng nghệ sĩ trẻ cần thời gian để chín bởi nghệ thuật không thể nóng vội.
Yếu tố thị trường đang len vào đời sống mỹ thuật
Họa sĩ Đặng Tiến cho rằng, festival là cơ hội để các họa sĩ trẻ thể hiện và giới thiệu mình. Đây là một sân chơi kết nối họa sĩ trẻ với công chúng, vì thế, anh mong các họa sĩ trẻ hãy dám thể hiện mình bằng những sáng tạo mới mẻ, độc đáo. Anh bày tỏ nỗi lo lắng khi hiện nay, các họa sĩ trẻ bán tranh dễ hơn ngày xưa nên họ dễ bị cuốn theo thị trường, yếu tố thị trường đang len lỏi vào đời sống mỹ thuật.
"Kinh tế phát triển, đời sống càng ngày càng nâng cao nên người Việt bắt đầu có xu hướng sưu tập tranh, mua tranh để treo. Nhiều họa sĩ trẻ mới ra trường dễ bị cuốn theo thị hiếu của công chúng, họ chọn vẽ an toàn và vẽ những thứ thị trường cần. Tác phẩm thiếu sáng tạo và cái tôi của người nghệ sĩ. Ai cũng hiểu, nghệ thuật rất khắc nghiệt, để đi con đường của mình không đơn giản, cần sự bền bỉ và thời gian. Các họa sĩ trẻ bây giờ dễ bị ảnh hưởng bởi thế hệ đi trước, bao giờ họ dám dũng cảm vứt bỏ những tác phẩm giống người khác họ mới có cơ hội sáng tạo. Bởi, nghệ thuật thực sự không đặt nặng yếu tố thương mại. Nhưng, đời sống mỹ thuật hiện nay, phải đến 60-70% nghệ sĩ trẻ chạy theo thị trường. Như vậy làm gì có chỗ cho những cá tính sáng tạo, nếu không nói là rất hiếm", anh chia sẻ.
Cùng quan điểm góc nhìn về họa sĩ trẻ, họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, hiện nay, nhiều nghệ sĩ trẻ có những nỗ lực nhưng vẫn ở trong vòng an toàn, họ không đủ mạnh để làm điều gì đó thay đổi, đột phá.
"Họ chọn hướng mưu sinh, đi con đường đẹp đã đẹp sẵn rồi. Không phải họa sĩ nào cũng có xuất phát điểm tốt, đời sống kinh tế ổn định để chỉ việc ngồi vẽ, nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống khó khăn, họ làm cái mới mà không bán được thì cũng chẳng làm để làm gì. Chúng ta mong muốn, đòi hỏi các họa sĩ trẻ sẽ tạo nên diện mạo mới cho hội họa Việt Nam đương đại nhưng cũng đừng quá kỳ vọng. Đổi mới cũng phải có sự nhìn nhận tỉnh táo và đúng đắn vì đôi khi là cũ người mới ta. Có những thứ đưa về Việt Nam tưởng mới mẻ nhưng thực ra thế giới họ đã làm cách đây hàng trăm năm rồi. Vì thế, tôi nghĩ, với diện mạo của nền mỹ thuật Việt hiện nay phải làm thế nào cho ra tâm hồn Việt, các họa sĩ trẻ đừng nhân danh sáng tạo, đột phá mà lai căng...".
Mặt khác, họa sĩ Đào Hải Phong cũng cho rằng, việc các nhà sưu tập chỉ mua tranh của các họa sĩ nổi tiếng thế hệ Đông Dương hay các thế hệ sau đó, nghĩa là họ chơi đồ cổ, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến các nghệ sĩ trẻ. Vì họ sẽ bắt chước, chạy theo cách vẽ cách đây hàng trăm năm để bán tranh.
"Đó là nghịch lý của một nền hội họa. Nghệ thuật, nhất là nghệ thuật của những người trẻ rất cần sự động viên, khuyến khích, tài trợ để họ tự tin đi con đường của mình, có cơ hội sáng tạo. Nhưng, ở ta chưa có điều đó. Người trẻ ít được khuyến khích, những sáng tạo mới ít được đón nhận nên họ sẽ chọn lối an toàn, vẽ dòng tranh không ai khen cũng không ai chê", anh nói. Anh cho rằng, giá trị của một tác phẩm phải kéo dài đến 2 thế hệ, một họa sĩ nổi được vài năm chỉ là trào lưu chứ không phải tài năng. "Những họa sĩ trẻ dám hy sinh, dấn thân phải có tư chất mạnh mẽ và đúng là rất hiếm. Với độ tuổi từ 18 đến 35 thì phải rất tinh ý chúng ta mới phát hiện được dấu hiệu của tài năng trong sáng tạo của nghệ sĩ", họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định.
"Festival Mỹ thuật trẻ" định kỳ tổ chức 2 năm một lần, nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tựu sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, công bố, phổ biến tác phẩm và phản ánh trung thực quá trình lao động nghệ thuật, thể hiện cách nhìn riêng về đời sống đương đại, quan điểm sáng tác của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam.
Các tác phẩm gửi tham gia "Festival Mỹ thuật trẻ" là tác phẩm được sáng tác mới trong 2 năm (2022-2024), chưa tham gia các sự kiện mỹ thuật có quy mô toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đối tượng tham gia là các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ, từ 18 đến 35 tuổi là công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài. Đề tài sáng tác tự do, ban tổ chức khuyến khích tác phẩm có tính nhân văn, hướng thiện, phản ánh tích cực đời sống xã hội đương đại, tác phẩm sáng tác về các nhân vật và sự kiện lịch sử của đất nước. Ban tổ chức sẽ trao 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba, 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Mỗi tác giả được gửi tham gia 3 tác phẩm/bộ tác phẩm, là loại hình nghệ thuật sau: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật hình ảnh và các hình thức nghệ thuật đương đại khác.