Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản năm 2023: Công dân trẻ và tiếng nói toàn cầu

Công dân toàn cầu trở thành mục tiêu và động lực phấn đấu với nhiều người trẻ hiện nay, những vấn đề cần sự chung tay quốc tế như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hay nâng cao chất lượng giáo dục, được người trẻ tự tin thể hiện tiếng nói, quan điểm thế hệ.

Các bạn trẻ tham gia nhóm thảo luận tại Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản

Các bạn trẻ tham gia nhóm thảo luận tại Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản

Diễn đàn quốc tế cho thế hệ trẻ

Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản năm 2023 diễn ra tại TPHCM, từ ngày 12-12 đến 15-12, với chủ đề Thanh niên ASEAN - Nhật Bản chung tay thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Sự kiện do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức, nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết chung và nâng cao nhận thức về ASEAN - Nhật Bản cho thanh niên, người dân ASEAN và Nhật Bản, đóng góp vào thành công chung của năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản (1973-2023); khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác ASEAN và ASEAN+.

Trong khuôn khổ festival, thảo luận nhóm với chủ đề Vai trò của thanh niên ASEAN - Nhật Bản trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững diễn ra vào chiều 12-12, tại Nhà văn hóa Thanh niên (TPHCM). 5 chủ đề: Giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ; Tăng trưởng kinh tế, các thành phố và cộng đồng bền vững; Năng lượng, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, xã hội định hướng tái chế; Sức khỏe và an sinh được các bạn trẻ tham gia sự kiện bày tỏ sự quan tâm và khẳng định trách nhiệm của thanh niên trước sự phát triển của các quốc gia, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước ASEAN, góp phần vào sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Đến từ Nhật Bản, Kota Kaizu (23 tuổi) chia sẻ: “Festival là cơ hội để tôi có dịp trao đổi và học hỏi các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia ở châu Á nhiều hơn. Qua buổi thảo luận, ngoài kỹ năng chuyên môn, việc trau dồi và nâng cao ngoại ngữ cũng đem đến cho tôi nhiều bài học thú vị, để bản thân người trẻ khi bước ra môi trường quốc tế tự tin hơn khi trình bày quan điểm cá nhân của mình. Và một điều tôi cảm thấy ấn tượng hơn hết, chính là việc mọi người tôn trọng và ghi nhận tất cả các ý kiến, dù có những quan điểm trái ngược nhau, để cùng thảo luận và tìm giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đặt ra”.

Là tình nguyện viên trong khuôn khổ các hoạt động của festival, Phí Ngọc Đức (sinh viên năm 2, Trường Đại học Công nghệ TPHCM) chia sẻ: “Tham gia với tư cách là tình nguyện viên hỗ trợ các hoạt động của festival, nhưng bản thân tôi cảm thấy mình học hỏi rất nhiều từ sự kiện quốc tế này. Từ việc thể hiện ý kiến, trình bày quan điểm trước một số vấn đề toàn cầu, những tưởng là câu chuyện xa vời, nhưng đó cũng là một phần trách nhiệm với cộng đồng của người trẻ hôm nay. Và môi trường giao lưu quốc tế này đã giúp tôi tự tin để thể hiện mình là người trẻ Việt Nam với tinh thần toàn cầu, sẵn sàng lắng nghe và học hỏi để phát triển”.

Kết nối và hành động

Tại nhóm thảo luận chủ đề Giáo dục có chất lượng, vấn đề được các bạn trẻ quan tâm và đặt ra đó là việc sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm học sinh, như phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, hỗ trợ cho các nhóm học sinh yếu thế có được các thiết bị truy cập Internet và cơ hội học tập. Bên cạnh đó, vấn đề tác động của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) như chatGPT đến giáo dục và chương trình giáo dục chất lượng toàn cầu cũng được nhiều bạn trẻ trình bày ý kiến.

Diễn giả của nhóm thảo luận Giáo dục có chất lượng, TS Nguyễn Thị Thu Huyền (cố vấn cao cấp hệ thống giáo dục Tân Thời Đại) chia sẻ: “Chúng ta đánh giá cao về công nghệ được áp dụng trong học tập nhưng ngân sách đầu tư vào tương đối cao và có thể quá sức đối với một số nước. Đây thực sự là một thách thức lớn, để có thể triển khai đồng loạt và đồng bộ cho tất cả các quốc gia trong cùng một khu vực”. Trong buổi thảo luận, các bạn trẻ cũng trình bày niềm tự hào quốc gia của mình về những truyền thống tốt đẹp trong giáo dục. Các bạn đến từ Indonesia tự hào về sự hợp tác, đoàn kết. Các bạn Việt Nam tự hào về truyền thống tôn sư trọng đạo, sự cao quý của nghề giáo… Và các bạn trong nhóm đều đồng ý, truyền thống tôn trọng sự học là điểm chung của các quốc gia châu Á.

“Vấn đề giáo dục có tính chất toàn cầu và để thay đổi thì cần sự chung tay của nhiều lực lượng. Xu hướng của giới trẻ hiện nay là các bạn có nhận thức nhiều hơn, quan tâm về bản thân mình hơn. Điều đó không có gì xấu. Tuy nhiên, bên cạnh việc quan tâm, khám phá và phát triển bản thân, các bạn nên nhớ rằng, sự phát triển của bản thân không tách rời với sự phát triển của cộng đồng. Do đó, nếu giới trẻ muốn phát triển không ngừng thì bạn phải làm được cả hai, trong bối cảnh là sự hòa hợp với những người xung quanh”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ thêm.

Diễn giả tại nhóm thảo luận Năng lượng, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng xã hội định hướng tái chế, PGS-TS Từ Diệp Công Thành (Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Các bạn tuy trẻ nhưng có cái nhìn về những vấn đề mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, hay phát triển bền vững rất sâu sắc, và có những phát hiện vấn đề rất mới và thú vị. Không chỉ là sự hiểu biết, mà các bạn còn đề xuất các giải pháp rất thiết thực, vừa ứng dụng cho quốc gia của mình, vừa chú trọng đến các nước trong khu vực ASEAN. Như bạn đến từ Lào rất quan tâm đến việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Công làm thay đổi dòng chảy; điều này không chỉ ảnh hưởng đến Lào, mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia có dòng Mê Công chảy qua”.

Bên cạnh giáo dục, những vấn đề mang tính toàn cầu như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… cũng được các bạn trẻ trình bày thể hiện sự kết nối và hành động của thế hệ mình. Thảo luận tại nhóm Năng lượng, các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng xã hội định hướng tái chế, Huỳnh Vinh Quang (công tác tại Quận đoàn 7) chia sẻ: “Khi ngồi lại cùng các bạn để thảo luận, một vấn đề chung mà chúng tôi cùng thống nhất đưa ra là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao tại các nước trong khu vực ASEAN. Giải pháp được các bạn đưa ra rất thú vị, nhưng tôi ấn tượng với ý kiến chia sẻ của bạn đến từ Singapore, đó là những dự án hợp tác chia sẻ công nghệ AI cùng Việt Nam, để mỗi bên có thể học hỏi cùng nhau và tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp với quốc gia của mình. Và sự hành động này phải đến từ người trẻ để tạo sự lan tỏa đến mọi người và hiệu ứng chuyển biến rõ rệt trong xã hội”.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ trong đời sống 4.0, hay những vấn đề mang tính chất toàn cầu, hơn bao giờ hết cần và chú trọng đến tiếng nói thế hệ trẻ… Bởi họ là thế hệ đương thời, những người có mặt trực tiếp hoặc gián tiếp theo một cách nào đó trong thời điểm đánh dấu những bước chuyển đổi ở mỗi quốc gia, khu vực.

Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản diễn ra từ ngày 12-12 đến 15-12, ngoài hoạt động thảo luận nhóm với chủ đề Vai trò của thanh niên ASEAN - Nhật Bản trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững diễn ra vào chiều 12-12, còn có nhiều hoạt động khác.

Sáng 13-12 sẽ diễn ra các hoạt động như: Những bước chân vì cộng đồng tại Nhà văn hóa Sinh viên (TP Thủ Đức), với hoạt động rèn luyện sức khỏe và chạy marathon. Tiếp đến, đoàn sẽ tham quan Khu đền tưởng niệm các vua Hùng (TP Thủ Đức) và dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công ơn các vua Hùng. Trong khuôn khổ festival, tại công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) sẽ tổ chức các hoạt động liên hoan ban nhạc, các nhóm văn nghệ tuyên truyền năm 2023 với chủ đề TPHCM - Thành phố tôi yêu phục vụ thanh niên quốc tế và người dân thành phố.

Tối 13-12, tại đây sẽ diễn ra triển lãm Quan hệ hữu nghị, hợp tác thanh niên ASEAN - Nhật Bản và chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Thanh niên ASEAN - Nhật Bản năm 2023.

Ngày 14-12, dự kiến là hoạt động tham quan và tìm hiểu Khu di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác; trải nghiệm rừng ngập mặn và trồng cây đước.

HỒNG DƯƠNG - THANH TRÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/festival-thanh-nien-asean-nhat-ban-nam-2023-cong-dan-tre-va-tieng-noi-toan-cau-post718107.html