'Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ'
Trong cuốn sách dày 300 trang, nhà báo - dịch giả Phạm Đình Lợi đã sưu tầm, tuyển chọn, dịch hơn 30 bài viết là hồi ký, suy ngẫm, nhận định của hàng loạt các nhân chứng lịch sử hàng đầu thế giới và của chính ông về vị lãnh tụ vĩ đại của quốc đảo Cuba Fidel Castro.
Ngày 15-9-1973, hình ảnh vị Tổng tư lệnh của cách mạng Cuba giương cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giữa các chiến sĩ quân giải phóng trên chiến trường Quảng Trị đã trở thành biểu tượng lịch sử minh chứng cho mối quan hệ vượt ra khỏi ngưỡng song phương thông thường giữa Việt Nam và Cuba.
Viết về Fidel, có lẽ là một đề tài không xa lạ, nhưng hẳn là một công việc “khó nhằn”. Bởi đúng như PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba nhận xét: “Khắc họa chân dung Fidel Castro là công việc rất khó, vì tầm vóc của ông vượt qua mọi tầm cao thông thường”.
Cuộc đời Fidel Castro gắn với những biến chuyển sôi động nhất thế giới từ thế kỷ XX đến khi ông qua đời (2016). Vị lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba đi về thế giới bên kia ở tuổi 90, song ông đã để lại một di sản đồ sộ về những cống hiến, đấu tranh và những lý tưởng cách mạng kiên trung của hòn đảo Cuba tươi đẹp.
Và tác giả Phạm Đình Lợi - một dịch giả, nhà báo lão thành, người đã gắn bó với Cuba trong nhiều năm tháng theo học và công tác tại quốc đảo này - đã “dùng” tình yêu với Cuba và lãnh tụ Fidel mà nguyện góp sức vào “công việc khó nhằn” này với tác phẩm gần 300 trang: “Fidel Castro - Huyền thoại xuyên thế kỷ”.
Ông chia sẻ: “Tôi ấp ủ thực hiện cuốn sách này đã lâu, nhưng muốn ra mắt vào một dịp đặc biệt để cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn. Và tôi chọn tháng 9, thời điểm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của Fidel vào chiến trường Quảng Trị (1973 - 2023), 70 năm cuộc tấn công pháo đài Moncada (1953 - 2023) và 60 năm thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (1963 - 2023).
Tình cảm đặc biệt mà tác giả dành cho Cuba nói chung và lãnh tụ Fidel Castro nói riêng được thể hiện qua từng bài viết. Dù ở góc độ biên dịch, tuyển chọn hay phân tích, đánh giá, hình ảnh Fidel cũng hiện lên như một “huyền thoại xuyên thế kỷ”.
Sau khi lên nắm quyền, Fidel Castro đã ngay lập tức thực thi chính sách xóa mù chữ, thành lập các dự án phúc lợi xã hội, chăm sóc người già, vận động bỏ hút thuốc lá… Và những việc ông làm đều mang lại kết quả đáng nể.
Chân dung của “huyền thoại” ấy được tác giả phác họa một cách đầy thuyết phục khi không chỉ chứng minh Fidel là vị lãnh tụ vĩ đại làm nên điều vĩ đại cho Cuba, Mỹ Latinh và cả thế giới; mà còn là hình tượng quật cường trong mọi hoàn cảnh; một nhà cách mạng không khuất phục trước mọi hiểm nguy; và một con người phi thường giữa đời thường qua hàng loạt bài viết: “Cuộc đời Fidel Castro qua 50 sự kiện”, “Comandante - Sức hấp dẫn kỳ lạ”, “Fidel là như thế”, “Fidel Castro - người chỉ huy huyền thoại và thủ lĩnh của dân tộc Cuba”, “Chuyện kể của những người từng phỏng vấn Fidel" hay Fidel Castro: “Tôi sẽ còn làm việc chừng nào còn minh mẫn”.
Đặc biệt, chân dung Fidel Castro giữa đời thường còn được nhà báo Phạm Đình Lợi kể chi tiết qua bài viết “Ba lần gặp Fidel” mà theo ông, đó là ba cơ hội may mắn trong đời mà ông có thể đứng gần, quan sát và trò chuyện cùng vị lãnh tụ Cuba.
Trên tất cả, độc giả sẽ cảm nhận được tình cảm gắn bó hơn ruột thịt, sự sẻ chia, sẵn sàng hy sinh của Cuba đối với Việt Nam, mà ở đó, vị lãnh tụ huyền thoại Fidel Castro chính là minh chứng hùng hồn, chiếc cầu nối liền hai mảnh đất xa xôi từ hai bên bán cầu.
Nhà báo - dịch giả Phạm Đình Lợi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965; học tiếng Tây Ban Nha tại Đại học La Habana (1970 - 1974). Ông là phóng viên thường trú, Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Cuba (1975 - 1979), (1987 - 1992), (1996 - 1999).
Ông từng tham gia dịch “Trăm năm cô đơn” cùng các dịch giả Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Quốc Dũng (1983) và hiệu đính các tác phẩm dịch “Vụ án Moncada” của Marta Rojas, “Tìm về chân lý” của Guillermo García Frías, “Tập trung, điểm danh” của Juan Almeida và Bertillon 166 của José Soler Puig.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/fidel-castro-huyen-thoai-xuyen-the-ky-640968.html