Financial Times: Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng vững tốt hơn dự báo
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy sự vững vàng đáng ngạc nhiên cho dù đang ở vào một thời điểm nhiều khó khăn - theo một nghiên cứu của tờ Financial Times...
Nghiên cứu này dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được một đợt giảm tốc mạnh trong năm nay.
Cuộc khảo sát được thực hiện định kỳ mỗi năm hai lần do Viện Brookings và Financial Times phối hợp thực hiện cho thấy Trung Quốc, Mỹ, Eurozone, Ấn Độ và Anh đều đang tăng trưởng nhanh hơn so với những gì được dự báo vào cuối năm ngoái. Mới hồi tháng 1, các ngân hàng trung ương và định chế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ sụt tốc trong năm nay.
Kết quả nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách toàn cầu chuẩn bị hội tụ về Washington DC trong chuỗi sự kiện mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần này. Theo kỳ vọng của giới phân tích, tại các cuộc họp này, IMF sẽ xác nhận nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với dự báo mà định chế này đưa ra hồi tháng 10.
Bức tranh kinh tế toàn cầu quý 1/2023
Theo nghiên cứu, nền kinh tế thế giới hiện tại gần như không có những dấu hiệu suy thoái mà một số nhà phân tích đã lo ngại, mặc cho lạm phát cao và rủi ro địa chính trị cùng rủi ro tài chính gia tăng. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva gần đây vẫn thể hiện sự thận trọng khi cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu trong trung hạn đang ảm đạm nhất kể từ thập niên 1990.
Chuyên gia cấp cao Eswar Prasad thuộc Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC, nói rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng mới đây ở Mỹ và châu Âu “đã làm lộ ra những điểm yếu của hệ thống tài chính tại các nền kinh tế lớn và làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế trong trung hạn”. Ông nhận định các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các ngân hàng trung ương, đang “lúng túng” trong một môi trường rủi ro nhân lên nhanh chóng.
Mặc dù vậy, chỉ số theo dõi kinh tế toàn cầu Brookings-Financial Times cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ vận hành tốt hơn so với dự báo mà các nhà phân tích đưa ra vào mùa thu. Ông Prasad cho rằng Trung Quốc “sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023”, trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục “tăng trưởng đáng ngạc nhiên dù gặp phải nhiều cơn gió nghịch”.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sẽ bắt nguồn từ việc nước này chấm dứt chính sách Zero Covid và sự xuống thang của làn sóng lây nhiễm sau đó. Nước này có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay cho dù khu vực nhà nước giữ vai trò chi phối hơn đối với nền kinh tế.
Căng thẳng ngân hàng ở Mỹ có thể làm giảm sức mua hiện đang mạnh của người tiêu dùng và kéo tụt tốc độ tăng trưởng việc làm. Nhưng theo ông Prasad một cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều vẫn có thể đạt được nếu kỳ vọng lạm phát giảm bớt.
Khu vực Eurozone và Anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn tồi tệ nhất trong năm 2022, nhờ giá khí đốt bán buôn giảm hơn 80% so với mức đỉnh vào mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát còn cao sẽ kìm hãm tăng trưởng ở hai nền kinh tế này.
Cũng theo chỉ số Brookings-Financial Times, Ấn Độ đang nhận được những lợi ích từ việc cải cách kinh tế trong những năm gần đây và sẽ đạt được một năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa.
Ông Prasad nói rằng mặc dù chỉ số cho thấy hoạt động của nền kinh tế toàn cầu hiện đạt được ngưỡng trung bình lịch sử, những thách thức là điều không thể phủ nhận. Nghiên cứu “nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đang ở vào một thời điểm nguy hiểm đối, với lạm phát cao dai dẳng, bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng và rủi ro địa chính trị đe dọa làm chệch hướng tăng trưởng”, ông cho biết.
Vị chuyên gia cảnh báo nếu trở thành hiện thực, những rủi ro này sẽ “gây tổn hại niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời có khả năng tác động tiêu cực đến tăng trưởng trung hạn”.
Cũng theo chỉ số của Brooking-Financial Times, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu được hưởng lợi từ sự năng động vốn có và khung chính sách được cải thiện, nhưng bên ngoài các nền kinh tế này, triển vọng tồi tệ hơn đáng kể. Các nền kinh tế thu nhập thấp và cận biên đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc chi phí vay nợ tăng, nhu cầu xuất khẩu yếu và khả năng hạn chế của các chính phủ trong việc kích thích tăng trưởng vì phải duy trì niềm tin của thị trường tài chính quốc tế.