First Citizens mua lại tài sản của Silicon Valley Bank
First Citizens, một trong những ngân hàng khu vực lớn nhất của Mỹ, mua lại phần lớn tài sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hơn hai tuần sau khi vụ sụp đổ của ngân hàng này gây chấn động hệ thống thống tài chính toàn cầu.
Vào cuối ngày 26-3, theo giờ Mỹ, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) thông báo First Citizens đồng ý mua lại tất cả các khoản tiền gửi, khoản cho vay của SVB. Theo đó, First Citizens sẽ tiếp quản 110 tỉ đô tài sản, 56 tỉ đô la tiền gửi và 72 tỉ đô la các khoản cho vay của SVB cùng 17 chi nhánh của ngân hàng này. FDIC cho biết các khoản cho vay 72 tỉ đô la của SVB sẽ được chiết khấu 16,5 tỉ đô la. 90 tỉ đô la chứng khoán và các tài sản khác của SVB vẫn nằm dưới sự tiếp quản và quyền xử lý của FDIC.
Kể từ hôm nay (27-3), 17 chi nhánh của SVB sẽ hoạt động như là một đơn vị của First Citizens. Theo thỏa thuận, FDIC đồng ý chia sẻ bất kỳ khoản lỗ hoặc lợi nhuận tiềm năng nào của First Citizens đối với các khoản cho vay thương mại của SVB. Nhìn chung, FDIC ước tính cú sụp đổ của SVB sẽ gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang khoảng 20 tỉ đô la, tương đương khoảng 10% tài sản của ngân hàng này trước khi xảy ra biến cố. First Citizens cũng sẽ nhận được một hạn mức tín dụng từ FDIC cho mục đích dự phòng thanh khoản.
FDIC đã tiếp quản SVB vào ngày 10-3. Cú sụp đổ của ngân hàng này châm ngòi hoảng loạn, dẫn đến làn sóng rút tiền, khiến ngân hàng Signature Bank gục ngã, buộc các cơ quản lý phải can thiệp để trấn an người gửi tiền.
Những lo lắng của người gửi tiền tập trung vào những ngân hàng khu vực có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt. Cả SVB và Signature Bank đều có số lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm.
Ngân hàng First Republic ở San Francisco cũng có một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm và đang trở thành tâm điểm của mối lo ngại. Cổ phiếu của ngân hàng đã giảm 90% trong năm nay.
SVB sụp đổ vì khách hàng cốt lõi của ngân hàng này các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp đang thiếu vốn, có nhu cầu rút tiền mặt liên tục. Bên cạnh đó, SVB đầu tư rất nhiều vào các lô trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn nhưng giá trị của chúng suy giảm mạnh do Fed tăng lãi suất trong suốt năm qua, có nghĩa là SVB phải bán chúng với giá lỗ nếu cần huy động tiền mặt. Cơn khủng hoảng do SVB gây ra cũng lan sang châu Âu, khiến ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse phải sáp nhập vào đối thủ UBS.
Thương vụ First Citizens mua tài sản của SVB đánh dấu một cột mốc quan trọng trong các nỗ lực quản lý nhằm dọn dẹp tàn dư sau hai cú sụp đổ ngân hàng.
“Thương vụ này sẽ tác động tích cực đối với sự ổn định tài chính và ngành đầu tư mạo hiểm”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis nhận định nhưng lưu ý thêm ông không rõ liệu vai trò của SVB trong ngành đầu tư mạo hiểm có được First Citizens duy trì hay không.
First Citizens, có trụ sở ở Raleigh, bang Bắc Carolina, là ngân hàng lớn thứ 30 của Mỹ, nắm giữ 109 tỉ đô la tài sản tính đến cuối năm ngoái. Ngân hàng này có 550 chi nhánh và văn phòng ở 23 bang.
First Citizens đã có nhiều kinh nghiệm thâu thóm các đối thủ gặp khó khăn. Ngân hàng này đã mua lại hơn 20 ngân hàng được FDIC hỗ trợ kể từ năm 2009. Năm ngoái, First Citizens hoàn tất thương vụ mua ngân hàng CIT Group trong một thỏa thuận trị giá hơn 2 tỉ đô la.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ với các khách hàng mới và định vị công ty của chúng tôi để tiếp tục thành công khi chúng tôi khẳng định cam kết hỗ trợ tính toàn vẹn của hệ thống ngân hàng quốc gia”, Frank Holding Jr., Giám đốc điều hành của First Citizens, cho biết trong một thông cáo báo chí về việc mua lại tài sản của SVB.
Theo WSJ, CNN, Financial Times