First Republic mất 100 tỷ USD tiền gửi, cho thấy hậu quả khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng ngân hàng

Khách hàng đã rút khoảng 100 tỷ USD tiền gửi ra khỏi First Republic trong quý đầu tiên, tương đương với hơn một nửa so với 176 tỷ USD mà ngân hàng nắm giữ vào cuối năm ngoái. Báo cáo doanh thu quý đầu tiên công bố ngày 24/4 đã nêu chi tiết tình hình tài chính bấp bênh của ngân hàng sau những đợt rút tiền lớn của người gửi tiền, đồng thời cũng cho thấy hậu quả khủng khiếp mà cuộc khủng hoảng ngân hàng đã mang lại.

Trong quý đầu tiên, First Republic đã vay 92 tỷ USD, chủ yếu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các nhóm cho vay được chính phủ hỗ trợ, về cơ bản ngân hàng đã thay thế các khoản tiền gửi bằng các khoản vay.

Trong quý đầu tiên, First Republic đã vay 92 tỷ USD, chủ yếu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các nhóm cho vay được chính phủ hỗ trợ, về cơ bản ngân hàng đã thay thế các khoản tiền gửi bằng các khoản vay.

Dòng tiền ồ ạt thoát ra

Tiền gửi của First Republic đã giảm hơn 40%, xuống còn 104,5 tỷ USD vào cuối quý đầu tiên, từ 176,4 tỷ USD vào ngày 31/12/2023. Kiểm đếm trong quý đầu tiên cho thấy, ngoài 30 tỷ USD từ các siêu ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase & Co. nhằm giữ cho First Republic tồn tại, cho thấy cơn hoảng loạn tháng trước đã khiến ngân hàng mất khoảng 100 tỷ USD tiền gửi.

Lợi nhuận của First Republic đã giảm 33% trong quý đầu tiên, xuống còn 269 triệu USD từ mức 401 triệu USD một năm trước đó. Doanh thu giảm 13% xuống còn 1,2 tỷ USD. Phần lớn thời gian của quý diễn ra trước khi tiền gửi cạn kiệt buộc ngân hàng phải tìm đến các khoản vay đắt đỏ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Cho vay mua nhà Liên bang (FHLB), điều này có khả năng làm giảm thu nhập trong tương lai.

Cổ phiếu của First Republic đã giảm khoảng 20% trong các giao dịch mở rộng, với sự sụt giảm tồi tệ hơn sau khi các giám đốc điều hành từ chối nhận câu hỏi từ các nhà phân tích. Giá cổ phiếu của First Republic đã giảm hơn 85% kể từ giữa tháng 3.

Ngân hàng cho biết việc rút tiền gửi phần lớn đã chấm dứt vào tuần cuối cùng của tháng 3. Từ ngày 31/3 đến ngày 21/4, ngân hàng chỉ mất 1,7% tiền gửi và hầu hết các khoản rút tiền đó đều liên quan đến việc thanh toán thuế của khách hàng.

Cổ phiếu First Republic đã mất gần 90% giá trị kể từ đầu tháng 3/2023, giảm 20% trong giao dịch sau giờ làm việc, theo báo cáo thu nhập.

Giám đốc tài chính Neal Holland cho biết trong một tuyên bố, First Republic đang “làm việc để cơ cấu lại bảng cân đối kế toán của chúng tôi và giảm chi phí cũng như các khoản vay ngắn hạn”. Theo đó, First Republic sẽ giảm số lượng nhân viên từ 20% xuống 25% và cắt giảm lương của ban điều hành.

First Republic cho biết, dòng tiền gửi bị rút ra đã ổn định và ngân hàng đang cố gắng mang lại các khoản tiền gửi mới. Không tính 30 tỷ USD giải cứu từ các siêu ngân hàng, hoạt động của First Republic tiêu tốn tất cả trừ 19,8 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm, một nguồn tài trợ chi phí thấp từng là nền tảng trong mô hình kinh doanh của ngân hàng.

Nhiều ngân hàng khu vực gần đây đã báo cáo sự sụt giảm lượng tiền gửi trong quý đầu tiên, bao gồm Comerica Inc. và Zions Bancorp. Nhưng, sự sụt giảm ở First Republic nổi bật với số lượng lớn gần như tuyệt đối, trong bối cảnh nhiều ngân hàng khu vực khác đã báo cáo lợi nhuận quý đầu tiên cao hơn.

First Republic đã từng là sự ghen tị của khối kinh doanh ngân hàng. Ngân hàng đã phát triển nhanh chóng bằng cách phục vụ cho những khách hàng giàu có, những người muốn dịch vụ chất lượng cao mà họ không thể nhận được từ các ngân hàng lớn hơn. Trong một thế giới có lãi suất thấp, những khách hàng đó rất vui khi để lại một số tiền lớn trong tài khoản mà không cần kiếm được gì.

Ngân hàng cũng chuyên thực hiện các khoản thế chấp khổng lồ, một số với lãi suất thấp, cho những người giàu có như Mark Zuckerberg.

Hoạt động kinh doanh ngày một tăng nhanh của ngân hàng đã “quay trở lại trái đất” sau khi FED bắt đầu tăng lãi suất. Những khách hàng giàu có, không còn bằng lòng để lại số dư khổng lồ trong tài khoản ngân hàng mà chỉ kiếm được lãi suất ít ỏi, bắt đầu chuyển tiền của họ sang các lựa chọn thay thế với lợi suất cao hơn.

Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tháng trước đã khiến những khách hàng có số dư vượt quá giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) lo sợ.

Lãi không đủ bù lỗ

Hai ngân hàng có rất nhiều điểm chung. Họ cùng có chung nhóm khách hàng Vùng Vịnh và một tỷ lệ lớn người gửi tiền không có bảo hiểm. Khi lãi suất tăng khiến cả hai ngân hàng cùng gánh chịu những khoản lỗ lớn chưa được giải quyết, trong trường hợp của First Republic, danh mục đầu tư của họ nghiêng nhiều về các khoản thế chấp lãi suất thấp.

Mọi loại tiền gửi tại ngân hàng đều giảm trong quý, ngoại trừ “tiền gửi có kỳ hạn”, hoặc chứng chỉ tiền gửi, một danh mục bao gồm 30 tỷ USD tiền gửi của các ngân hàng lớn. First Republic đã trả tỷ lệ trung bình là 2,93% trên mỗi chứng chỉ tiền gửi.

Ngân hàng cũng đã xem xét việc bán hoặc bơm vốn từ bên ngoài và thuê các chuyên gia ngân hàng đầu tư tư vấn về các lựa chọn của mình. Ngày 24/4, ngân hàng cho biết họ đang “theo đuổi các lựa chọn chiến lược”, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

First Republic đang phải đối mặt với một tình huống nghiệt ngã và bất thường, nơi họ có thể phải trả nhiều nợ hơn số tiền kiếm được từ các khoản vay của mình.

First Republic đang phải đối mặt với một tình huống nghiệt ngã và bất thường, nơi họ có thể phải trả nhiều nợ hơn số tiền kiếm được từ các khoản vay của mình.

Sau khi sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon gây ra một đợt rút tiền gửi ồ ạt, First Republic đã lấp đầy lỗ hổng bằng các khoản vay từ FED và FHLB, nơi cho các ngân hàng bị căng thẳng nguồn vốn vay và hạn mức tín dụng từ JPMorgan. Các khoản vay đạt đỉnh 138 tỷ USD vào ngày 15/3/2023. First Republic cho biết con số đó đã giảm xuống còn 104 tỷ USD vào cuối tuần trước.

Ngân hàng cho biết họ đã trả trung bình từ 3% đến 4,9% cho các khoản vay từ FED và FHLB trong quý. Điều này có nghĩa là First Republic đang phải đối mặt với một tình huống nghiệt ngã và bất thường, nơi họ có thể phải trả nhiều nợ hơn số tiền kiếm được từ các khoản vay của mình, các nhà phân tích cho biết. Trong quý đầu tiên, tổng tiền cho vay của ngân hàng mang lại lợi suất 3,73%.

Lãi suất tăng đã làm giảm giá trị của các khoản thế chấp của First Republic và các khoản vay khác. Bảng cân đối kế toán của ngân hàng cho thấy khoản vay trị giá 166,1 tỷ đô la tính đến ngày 31/12/2023, theo chi phí phân bổ. Một ghi chú cho biết giá trị thị trường hợp lý của ngân hàng là 143,9 tỷ USD. Khoản chênh lệch 22,2 tỷ USD, lớn hơn 17,4 tỷ USD tổng số vốn chủ sở hữu hoặc tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả của First Republic.

Ngân hàng cho biết, dự định bắt đầu bán các khoản thế chấp đã thực hiện trong nỗ lực giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Thông thường, các ngân hàng sẽ giữ những khoản vay đó trên sổ sách.

Trong tương lai, First Republic sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những khách hàng có số dư dưới hạn mức bảo hiểm của FDIC. Giám đốc điều hành Michael Roffler cho biết, tiền gửi không được bảo hiểm giờ đây sẽ chiếm “tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn nhiều” trong tổng số tiền gửi so với trước đây.

Cho đến trước thời điểm của tháng 3, First Republic vẫn là con cưng của Phố Wall. Ngân hàng được thành lập vào năm 1985 bởi Jim Herbert, người vẫn là chủ tịch điều hành của ngân hàng ở tuổi 78. Ngân hàng nổi bật nhờ cung cấp cho các khách hàng giàu có những khoản thế chấp khổng lồ, không thể bán được cho những gã khổng lồ thế chấp được chính phủ hậu thuẫn là Fannie Mae và Freddie Mac. Ông Herbert liên tục ca ngợi mô hình kinh doanh của First Republic là một mô hình hợp lý bởi vì những khách hàng của mô hình này có hồ sơ tín dụng tốt.

Năm 2007, Merrill Lynch đã trả 1,8 tỷ USD để mua lại ngân hàng, nhưng quyền sở hữu của họ chỉ kéo dài 3 năm. Ông Herbert, với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư khác, đã mua lại ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đưa First Republic ra công chúng.

Kể từ đó, First Republic đã tập trung vào việc mở rộng bằng cách thành lập các chi nhánh ở những khu vực sang trọng nhất của New York, Boston, San Francisco và Los Angeles và ở những nơi đồng nghĩa với sự giàu có như Greenwich, Conn., và Palm Beach, Fla.

Vào giữa tháng 12 năm ngoái, First Republic đã tổ chức một bữa tiệc nghỉ lễ tại một không gian biểu diễn nghệ thuật ở Manhattan cho hàng trăm nhân viên và khách hàng. Một nghệ sĩ graffiti cầm sơn xịt màu đen, và các vũ công flamenco mua vui cho đám đông.

Ba tháng sau, ngân hàng nhận thấy mình đang được chú ý ở một khía cạnh khác. Trong những ngày và tuần sau khi Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ, nhiều ngân hàng lớn hơn đã xem xét việc mua First Republic. Nhưng một thỏa thuận đã không có kết quả cuối cùng và giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen, đã làm việc cùng nhau để đi đến quyết định bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào ngân hàng. Các ngân hàng lớn đã đưa số tiền đó vào và có thể rút tiền ngay sau 4 tháng.

Trong cuộc họp ngắn hôm 24/4, ông Roffler nói rất ít về những gì có thể xảy ra tiếp theo và chỉ nhắc lại những tiết lộ công khai của ngân hàng. “Tôi muốn dành chút thời gian để cảm ơn các đồng nghiệp của chúng tôi vì cam kết của họ với First Republic và sự phục vụ không ngừng nghỉ của họ đối với khách hàng và cộng đồng của chúng tôi trong suốt giai đoạn thử thách này” - ông nói. Đồng thời nhấn mạnh: “Sự cống hiến của họ thật truyền cảm hứng”./.

Hoàng Lê (theo The Wall Street Journal)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/first-republic-mat-100-ty-usd-tien-gui-cho-thay-hau-qua-khung-khiep-tu-cuoc-khung-hoang-ngan-hang-126563.html