Fitch hạ triển vọng tín nhiệm nợ của Trung Quốc xuống mức tiêu cực
Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm nợ nước ngoài dài hạn của Trung Quốc từ ổn định xuống mức tiêu cực do rủi ro tài chính công tăng lên khi Bắc Kinh chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.
Quyết định trên được Fitch, một trong ba hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, công bố hôm 10-4. “Việc điều chỉnh triển vọng tín nhiệm nợ phản ánh rủi ro ngày càng tăng đối với viễn cảnh tài chính công của Trung Quốc khi nước này đối mặt với triển vọng kinh tế không chắc chắn trong bối cảnh chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào lĩnh vực bất động sản sang mô hình mà chính phủ Trung Quốc xem là bền vững hơn”, Fitch giải thích.
Fitch dự báo thâm hụt tài khóa của chính phủ Trung Quốc sẽ tăng lên mức 7,1% GDP trong năm 2024, cao hơn so với mức 5,8% của năm ngoái. Nợ công của Trung Quốc, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và địa phương, dự báo tăng lên mức 61,3% GDP trong năm nay so với 56,1% trong năm 2023.
“Thâm hụt tài khóa mở rộng và nợ chính phủ gia tăng trong những năm gần đây đã làm xói mòn vùng đệm tài khóa của Trung Quốc. Fitch tin rằng, chính sách tài khóa ngày càng có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm tới. Điều này có thể khiến nợ của chính phủ đi theo xu hướng tăng liên tục”, Fitch cho biết.
Dù vậy, Fitch vẫn duy trì xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ nước ngoài dài hạn của Trung Quốc ở mức A+. Fitch lưu ý, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn và đa dạng, và nước này đóng vai trò không thể thiếu trong thương mại hàng hóa toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc bày tỏ “thất vọng” trước quyết định của Fitch.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã trao đổi sâu với đội ngũ xếp hạng của Fitch từ các giai đoạn đầu và báo cáo của Fitch phần nào phản ánh quan điểm của phía Trung Quốc. Nhưng hệ thống chỉ số trong phương pháp xếp hạng tín nhiệm nợ chủ quyền của Fitch không phản ánh hiệu quả những tác động tích cực trong tương lai của chính sách tài khóa đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định hơn nữa tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô”.
Tuyên bố cho biết thêm, chính sách tài khóa của Trung Quốc về lâu dài sẽ giúp tín nhiệm nợ quốc gia tốt lên bằng cách duy trì thâm hụt ở mức phù hợp, sử dụng số tiền thu được từ phát hành nợ để mở rộng nhu cầu trong nước và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, nhận xét động thái hạ triển vọng tín nhiệm nợ của Trung Quốc phản ánh sự nhạy cảm của Fitch đối với “các vấn đề tài chính” của Trung Quốc.
“Chúng tôi được biết rằng chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu 10 tỉnh cắt giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Vì vậy, áp lực tài chính của các địa phương này là khá rõ ràng. Họ bị yêu cầu cắt giảm chi tiêu dù điều này không tốt cho tăng trưởng vì đơn giản là không còn nguồn tài chính nào để giúp họ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng”, Garcia Herrero nói.
Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh có nhiều trở ngại, bao gồm dân số giảm, tiêu dùng yếu, bất động sản sụt giảm kéo dài và dòng vốn chảy ra ngoài.
“Tôi không nghĩ quyết định của Fitch sẽ có nhiều tác động đến thị trường. Vấn đề nợ và khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đã được các thị trường nắm rõ”, Michelle Lam, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Societe Generale, nhận định, đồng thời cho biết thêm rủi ro đối với các nhà đầu tư là nợ công ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ làm tăng trưởng chậm lại chứ không phải làm tăng rủi ro vỡ nợ quốc gia.
Trong khi đó, Xiaojia Zhi, chuyên gia kinh tế của Credit Agricole, cho rằng quyết định của Fitch “vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn đối với Trung Quốc”.
Frances Cheung, nhà chiến lược lãi suất của ngân hàng OCBC, nhận định động thái của Fitch có thể sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Trung Quốc, chẳng hạn như lãi suất cho vay trung hạn 1 năm, dự kiến được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, công bố vào giữa tháng này,
Quyết định của Fitch được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Trong tuần tới, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố một số dữ liệu đáng chú ý, bao gồm cả mức tăng trưởng quí đầu tiên. Các thị trường tài chính đang theo dõi chặt chẽ các manh mối về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua điểm đáy hay chưa sau khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước này phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc chuyển hướng nguồn lực tài chính sang lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao. Bắc Kinh cũng tìm cách hạn chế chi tiêu của các chính quyền địa phương có nợ nần lớn và thường dựa vào việc bán đất để kiếm nguồn thu.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 5%, bằng với con số của năm ngoái và là mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Nhưng các nhà phân tích cho rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu Bắc Kinh không thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phục hồi niềm tin.
Fitch dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,5% vào năm 2024, do sự yếu kém dai dẳng của lĩnh vực bất động sản và mức tiêu dùng hộ gia đình suy yếu.
Theo Bloomberg, Reuters, Al Jazeera