Flamingo xin dừng dự án hơn 2.500 tỷ đồng ở Hồ Núi Cốc
Do thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên Flamingo đã xin dừng dự án hơn 2.500 tỷ đồng ở Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên.
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định về việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định về chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc của Công ty cổ phần Flamingo Holding Group.
Trước đó, ngày 19/7, doanh nghiệp này đã có văn bản xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án đến cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên dù vẫn đang trong thời hạn triển khai.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật; đồng thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến dự án theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Đại Từ và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, thu hồi, chấm dứt hiệu lực hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản liên quan đến dự án (nếu có).
UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Đại Từ thực hiện công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch của dự án theo quy định. Tham mưu, đề xuất phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý các vấn đề có liên quan đến dự án theo quy định.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đối với đề xuất thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc do Flamingo Holding Group đề xuất với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc, dự án nằm tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái với tổng diện tích trên 22,6 ha. Các khu chức năng xây dựng trong khu du lịch như khu biệt thự, khu du lịch đảo, khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...
Theo báo cáo của doanh nghiệp, tại dự án xuất hiện một số cá nhân không cư trú tại địa phương thực hiện mua gom đất để đầu cơ và xây dựng trái phép. Diện tích đất thuộc sở hữu của các cá nhân này chiếm phần lớn diện tích đất của dự án nên rất khó khăn trong việc thỏa thuận. Thậm chí có trường hợp yêu cầu giá trị đền bù gấp 5-10 lần so với giá trị đền bù theo phương án.
"Với thực trạng công tác thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như hiện nay thì rất khó để doanh nghiệp triển khai dự án. Hơn nữa, việc thực hiện dự án mà không có quỹ đất tái định cư cho cư dân địa phương cũng là khó khăn lớn nhất trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án", doanh nghiệp cho biết.
Theo đó, Flamingo lý giải khó khăn trên mà đến nay công tác thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng của dự án gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện thủ tục giao đất để thực hiện dự án.