Francisco Franco - Ngoại lệ duy nhất
Đến tận ngày 1/4/1939, Nội chiến Tây Ban Nha mới kết thúc. Song, trước đó ba tháng, Francisco Franco y Bahamonde đã tự xưng Caudilo - một khái niệm có nhiều cách hiểu, nhưng đơn giản nhất là 'nhà độc tài'. Kể từ đó cho đến tận ngày 20/11/1975 - ngày ông ta qua đời - những thăng trầm của đất nước Tây Ban Nha gắn liền với những dấu ấn của vị Caudilo 'độc nhất vô nhị' này.
Chỉ có một Franco
Caudilo có thể được dịch là Quốc trưởng hay Nguyên thủ (Head of States), cũng có thể hiểu tương tự như danh xưng lãnh tụ (Fuehrer) của Adolf Hitler. Và trên thực tế, vai trò Caudilo mà Franco nắm giữ lại có thể xem là một kiểu Nhiếp chính vương, kể từ sau khi ông khôi phục chính thể quân chủ ở Tây Ban Nha năm 1947.
Thậm chí, năm 1969, Caudilo Francisco Franco đã chọn "người kế vị", và "người kế vị" đó, sau ngày 20/11/1975, đã lên ngôi vua một cách đường đường chính chính. Đó chính là Vua Juan Carlos - người trị vì Tây Ban Nha kể từ đó cho đến lúc thoái vị ngày 18/6/2014, để nhường ngôi cho con trai là vua Felipe VI hiện tại.
Nếu Francisco Franco từng có thời gian bị xem là một nhà độc tài phát-xít, thì điều đó có lẽ cũng không có gì bất ngờ. Mối quan hệ của ông với Adolf Hitler hay Benito Mussolini, hoặc là người "đồng nghiệp" Antonio Salazar ở đất nước láng giềng Bồ Đào Nha là rất gần gũi, cả về tư tưởng lẫn hành động.
Franco trên đỉnh cao quyền lực .
Khi Nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ, nghĩa là sau khi Franco tổ chức đảo chính nhằm lật đổ chính phủ cộng hòa, cả Hitler, Mussolini lẫn Salazar đều đã có những động thái ủng hộ mạnh mẽ. Trong đó, nước Đức Quốc xã và nước Ý phát xít đã gửi cả binh lính lẫn các khí tài quân sự quan trọng như máy bay, xe tăng cùng nhiều loại vũ khí khác tới Tây Ban Nha cùng chiến đấu bên cạnh quân đội của Franco.
Tuy vậy, khi Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, điều đáng ngạc nhiên là Franco lại không để Tây Ban Nha bị cuốn vào vòng xoáy chết chóc khủng khiếp nhất của thế kỷ 20 đó. Từ đầu đến cuối cuộc chiến, cũng như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha duy trì được vị thế trung lập của mình.
Khi chiến tranh kết thúc, nếu Mussolini bị treo cổ ở Ý và Hitler buộc phải tự sát trong boong-ke ở Đức, thì tại Tây Ban Nha, nền độc tài của Franco vẫn "vững như bàn thạch". Đó thật sự là một điều kỳ lạ, bởi theo nhiều nguồn tin, cho dù tuyên bố Tây Ban Nha trung lập, Franco vẫn gửi một sư đoàn đến tham chiến cùng quân Đức ở mặt trận phía Đông, tấn công Liên bang Xôviết.
Và khi chủ nghĩa chống cộng cực đoan McCarthy trỗi dậy ở Mỹ, thậm chí Franco còn được xem là một trong những "người hùng" phương Tây. Theo các tác giả John T.Wolley và Gerhard Peters, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã kết liên minh với Tây Ban Nha. Sau khi Franco chết năm 1975, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đánh giá: "Ông ấy là một người bạn, một người đồng minh trung thành của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ".
Rõ ràng, tất cả những sự trọng thị này xuất phát từ lập trường cực hữu và chống chủ nghĩa cộng sản rõ nét của Franco. Ngay từ năm 1939, khi nội chiến Tây Ban Nha vừa kết thúc và bản thân vừa bước lên đỉnh cao vũ đài chính trị, Franco đã cùng Đức Quốc xã và Ý ký hiệp ước chống lại Đệ tam Cộng sản Quốc tế - tổ chức do lãnh tụ Lenine của Liên Xô dẫn dắt.
Nửa công, nửa tội
Cho đến tận lúc này, hơn bốn thập kỷ sau khi Franco chết, di sản chính trị mà Caudilo để lại vẫn khiến chính đất nước Tây Ban Nha chia rẽ.
Khu phần mộ của ông vẫn luôn được xem là nơi "hành hương" của những người Tây Ban Nha cực hữu. Họ vẫn mang hoa tới đó, và vẫn không ngại ngần thực hiện kiểu chào phát-xít bị cả thế giới ghê sợ. Lăng mộ ấy được đặt tại khu tưởng niệm "Thung lũng những liệt sĩ đã hy sinh vì Tây Ban Nha" (El Valle de Los Caidos) - nơi được xây dựng từ chính ý tưởng của tướng Franco, nhằm tôn vinh những tử sĩ thuộc phe của ông đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939, khi chống lại những người cộng hòa cánh tả cấp tiến.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những thành tựu trong suốt 36 năm Franco cầm quyền. Sự ổn định gần như tuyệt đối về chính trị đã trở thành nền tảng để thập niên 1960 trở thành đợt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đến mức độ được mệnh danh là "Phép màu Tây Ban Nha". Đất nước ấy, vốn là một nước nông nghiệp trước Đệ nhị Thế chiến, đã được công nghiệp hóa mạnh mẽ, song song với sự trỗi dậy của tiềm năng phát triển du lịch, nhờ sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử từ thời La Mã cổ đại, cũng như bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Từ năm 1959 đến năm 1974, sau Nhật Bản, Tây Ban Nha chính là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Mặc dù vậy, lại càng không thể phủ nhận, những thành tựu đó được xây dựng trên đống tro tàn đẫm máu của cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và sự ổn định chính trị dưới thời Franco được thiết lập bằng một bầu không khí sặc mùi trấn áp và khủng bố. Đến mức độ, giới hâm mộ bóng đá vẫn luôn truyền tụng những câu chuyện ngoài lề sân cỏ, về sự thiên vị mà Franco dành cho CLB Hoàng gia Real Madrid, và đi kèm với nó là sự thù địch, chèn ép đối với FC Barcelona - biểu tượng tinh thần của xứ Catalunya luôn đòi độc lập.
Theo số liệu chính thức của Liên Hợp Quốc mà hãng RFI dẫn, Tây Ban Nha là nước thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Campuchia, về số người mất tích. Khoảng 150.000 người Tây Ban Nha đã mất tích trong những năm Franco nắm quyền. Hàng trăm nghìn người khác đã bị tra tấn, mà những nhân chứng sống vẫn còn nguyên vẹn các ký ức. Hàng chục nghìn em nhỏ đã bị giằng khỏi vòng tay cha mẹ, thường là các gia đình phe cánh tả hoặc cộng sản, để rồi bị giao cho "các gia đình giáo dân ngoan đạo "nuôi nấng.
Franco thị sát một mặt trận trong Nội chiến Tây Ban Nha.
Lòng sùng đạo, ở một khía cạnh nào đó, chính là điểm khác biệt rất lớn giữa Franco và Hitler, cũng là tấm khiên vững chắc bảo vệ quyền lực cho ông ta tại Tây Ban Nha. Ở thời điểm này nhìn lại, Franco quả thật đã rất khéo léo trong việc tập hợp sức mạnh của những thiết chế truyền thống (hay nói cách khác là bảo thủ) trong xã hội Tây Ban Nha: Giáo hội - giới quý tộc - và sức mạnh đàn áp quân sự.
Đó là những mảnh ký ức đen tối còn hằn in trong rất nhiều tâm trí người dân Tây Ban Nha. Không phải ngẫu nhiên, vào năm 2017, dưới sức ép của các đảng cánh tả và trung tả, Quốc hội Tây Ban Nha ủng hộ việc di dời thi hài Franco ra khỏi khu tưởng niệm "Thung lũng những liệt sĩ Tây Ban Nha". Họ đòi hỏi chính phủ Tây Ban Nha phải thực hiện đề nghị ấy, đồng thời chuyển khu vực trên thành đài tưởng niệm tất cả các nạn nhân của cuộc nội chiến đã tàn phá đất nước Tây Ban Nha giai đoạn 1936-1939.
Và cũng không phải ngẫu nhiên, lý lẽ được đưa ra từ phía những người phản đối đề xuất này chỉ là: Quyết định di dời thi hài Franco sẽ làm sống dậy những ký ức đau thương khi cuộc nội chiến đã kết thúc cách đây 80 năm. Đồng thời, phe bảo thủ cũng cho biết thêm là không được sự chấp thuận của Giáo hội, nhà nước cũng không thể xâm phạm các ngôi mộ.
Đến tận ngày 24/10/2019, nhằm đáp ứng đòi hỏi quyết liệt của thân nhân các nạn nhân, việc di dời thi thể Caudilo khỏi "Thung lũng các liệt sĩ Tây Ban Nha" mới được thực hiện. Nhưng kể cả như vậy, nhà độc tài ấy vẫn đã và đang khiến Tây Ban Nha chia rẽ, trong việc "luận công, định tội" về mình.
"Francisco Franco sinh ngày 4/12/1892, trong một gia đình trung lưu ở xứ Galicia (tây bắc Tây Ban Nha). Theo trang nghiên cứu uy tín Britanica, cha của Franco là một sĩ quan hải quân lập dị, hoang phí và phóng đãng. Điều đó khiến ông càng gần gũi với mẹ mình - một phụ nữ sùng đạo.
"Mới 14 tuổi, Franco đã gia nhập Học viện Lục quân Toledo. Ba năm sau, ông tốt nghiệp và tình nguyện tham gia chiến đấu tại các chiến trường thuộc địa. Bằng các kinh nghiệm sắt máu của chiến tranh, Franco sau đó đã thăng tiến rất nhanh, và trở thành Tổng tham mưu trưởng quân đội Tây Ban Nha năm 1933. Đó chính là bàn đạp để năm 1936, ông tổ chức đảo chính chống lại chính thể Cộng hòa, tự phong Caudilo, và đưa cả Tây Ban Nha vào một cuộc nội chiến đẫm máu.
Khởi đầu của sự kết thúc
Sau Julius Caesa là gì?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/francisco-franco-ngoai-le-duy-nhat-i631703/