Friedrich Engels với vấn đề tăng cường sức mạnh quốc phòng và quân đội

Friedrich Engels là nhà tư tưởng quân sự thiên tài của giai cấp vô sản. Những cống hiến của Engels trong lĩnh vực lý luận khoa học về xây dựng tiềm lực quốc phòng và quân đội góp phần quan trọng đặt nền móng cho sự ra đời của học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh và quân đội.

Sinh thời, Engels đã công bố nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến quân sự, quốc phòng, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu: “Tiểu luận về chiến tranh”, “Châu Âu có thể giải trừ quân bị được không”, “Quân đội”, “Chiến tranh nông dân ở Đức”... Những công trình nghiên cứu của Engels là cơ sở hình thành hệ thống lý luận khoa học mác-xít về xây dựng tiềm lực quốc phòng và quân đội của giai cấp vô sản.

Trong các công trình nghiên cứu, Engels đã phân tích, luận giải sâu sắc phương thức tiến hành chiến tranh, tổ chức và sức mạnh quân sự, quốc phòng của nhà nước với quân đội làm nòng cốt, phụ thuộc vào chế độ kinh tế-xã hội và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Engels chỉ rõ: “Quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”. Cho nên, sức mạnh của quân đội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà nước tổ chức ra nó. Luận điểm này của Engels đã giáng đòn trí mạng vào lý luận quân sự của giai cấp tư sản hòng che đậy bản chất giai cấp của chiến tranh và quân đội.

 Friedrich Engels - nhà tư tưởng quân sự thiên tài của giai cấp vô sản. Ảnh: El Viejo Topo

Friedrich Engels - nhà tư tưởng quân sự thiên tài của giai cấp vô sản. Ảnh: El Viejo Topo

Đứng trên quan điểm duy vật về lịch sử, Engels tiếp tục khẳng định: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”. Engels cũng tập trung nghiên cứu, luận giải một cách biện chứng về sự chuyển hóa lượng-chất trong sức mạnh quân sự của nhà nước, cũng như sức mạnh chiến đấu của quân đội; trong đó nhấn mạnh vai trò nhân tố chính trị-tinh thần có tính chất quyết định đến nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, song không tuyệt đối hóa nhân tố này mà phải kết hợp chặt chẽ, đặt trong mối quan hệ biện chứng với các nhân tố khác.

Để xây dựng và tăng cường sức mạnh quốc phòng và quân đội của nhà nước, đáp ứng yêu cầu các loại hình chiến tranh thông thường và hiện đại, Engels cho rằng, phải dựa trên cơ sở tiềm lực kinh tế quân sự. Tiềm lực kinh tế quân sự là một bộ phận đặc biệt của tiềm lực kinh tế, trực tiếp cung cấp trang bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất cho tiềm lực quân sự để tạo nên sức mạnh quốc phòng nói chung và sức mạnh quân đội nói riêng. Tiềm lực kinh tế quân sự bao gồm bộ phận đang phục vụ thường xuyên cho nhu cầu xây dựng nền quốc phòng, quân đội và bộ phận ở dạng tiềm năng của nền kinh tế quốc dân có thể huy động sử dụng khi cần thiết. Tiềm lực kinh tế quân sự nếu được nhà nước thường xuyên chăm lo xây dựng, phát triển, sẽ tác động đến nâng cao sức mạnh quốc phòng và quân đội của đất nước.

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và vũ khí, Engels khẳng định, khi vũ khí, kỹ thuật càng hoàn thiện sẽ là điều kiện để xây dựng quân đội ngày càng hiện đại và đòi hỏi chính trị-tinh thần người lính cũng càng phải cao. Trong tác phẩm “Chống Dühring”, Engels viết: “Như vậy là súng lục thắng thanh kiếm... trong đó công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng”.

Engels phê phán quan điểm, tư tưởng quân sự tư sản đã tuyệt đối hóa vai trò vũ khí, kỹ thuật, hạ thấp vai trò con người và đi đến kết luận: Con người chứ không phải vũ khí, kỹ thuật quyết định chiến thắng trên chiến trường; ưu thế luôn thuộc về bên nào mà thành phần con người có tinh thần chiến đấu cao hơn, được huấn luyện tốt hơn, có chiến thuật hoàn thiện hơn. V.I.Lenin cũng đã nêu quan điểm: Một đội quân giỏi nhất, những người trung thành nhất với sự nghiệp cách mạng cũng đều sẽ lập tức bị kẻ thù tiêu diệt, nếu họ không được vũ trang, tiếp tế lương thực và huấn luyện đầy đủ. Song, nếu quân đội có ưu thế về vũ khí, kỹ thuật nhưng kém về chính trị-tinh thần, nghệ thuật quân sự, thì sẽ thất bại.

Trung thành và vận dụng sáng tạo những tư tưởng, quan điểm của Engels về xây dựng và tăng cường sức mạnh quốc phòng, quân đội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng chính quy, hiện đại để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm 14 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một Quân đội nhân dân hùng mạnh, một Quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo, nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm xuất hiện nhiều loại vũ khí, kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại; cùng với đó, chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao và chiến tranh phi tiếp xúc ngày càng trở nên phổ biến.

Đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch ngày đêm tìm cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, với những thủ đoạn hết sức tinh vi, hiểm độc. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn cho công tác tổ chức lực lượng, đặc biệt là yêu cầu về điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Từ những cơ sở tư tưởng, lý luận của Engels về tăng cường sức mạnh quốc phòng, quân đội và thực tiễn cuộc cách mạng quân sự trên thế giới hiện nay đã cho thấy, việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chính là tiền đề quan trọng để thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo kế sách “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đại tá, ThS NGUYỄN ĐỨC THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/friedrich-engels-voi-van-de-tang-cuong-suc-manh-quoc-phong-va-quan-doi-804806