'Frozen 2' – Bữa tiệc thị giác mãn nhãn
'Frozen 2' khó tránh bị so sánh với phần đầu nhưng kể cả như vậy, nó vẫn là một phim đáng xem trong tháng 11 này.
Với độ lan tỏa và sức sống mạnh mẽ của Frozen, câu chuyện về nữ hoàng băng giá Elsa dường như chưa từng rời khỏi chúng ta mặc dù nó đã ra mắt được 6 năm. Đây là một trong số ít những phim hoạt hình ra mắt gần đây của Disney được xếp vào hàng “kinh điển”.
Frozen 2 lấy bối cảnh 3 năm sau những sự kiện của phần đầu. Vương quốc Arendelle đang trải qua khoảng thời gian thanh bình dưới sự cai trị của nữ hoàng Elsa. Bất thình lình, cô nghe được âm thanh gọi mình từ phương Bắc và kèm theo đó là hàng loạt thảm họa rớt xuống vương quốc. Nhằm cứu lấy thần dân và truy lùng nguồn gốc sức mạnh của mình, Elsa đã cùng Anna, Krisoff, Olaf và Sven bước vào một cuộc hành trình đầy chong gai đến tận cùng của phương Bắc xa xôi.
Bước đột phá về mặt kỹ xão
So với phần đầu, phần đồ họa của Frozen 2 đã được nâng lên một tầm mới và mang đến cho người xem một bữa tiệc thị giác mãn nhãn. Từng chi tiết nhỏ trong phim đều được chăm chút cẩn thận, từ bông hoa tuyết, chiếc lá thu, lọn tóc, chú ngựa nước hay váy của Elsa khi bay phất phơ trong gió… tất cả đã tạo ra cảm giác chân thật đến khó tin bất chấp tạo hình của các nhân vật thì trông như phong cách anime của Nhật.
Trong cuộc hành trình, Elsa và nhóm của mình đã đến một khu rừng được cai quản bởi những linh hồn quyền năng. Các cảnh chiến đấu tại đây được khắc họa cực kỳ sống động, tinh tế và đầy tính nghệ thuật. Elsa tung hoành ngang dọc với pháp thuật của mình, đặc biệt là khả năng tạo hình và sử dụng nước để tái hiện quá khứ. Sự uyển chuyển trong việc lồng ghép yếu tố pháp thuật vào cốt truyện đã giúp phim trở nên thuyết phục hơn.
Âm nhạc ấn tượng
Thành thật mà nói, Let It Go là hiện tượng nhiều năm mới có một lần. Chính vì thế, kỳ vọng Frozen 2 sẽ có một bản “hit” tương tự là đòi hỏi quá cao. Thế nhưng, Into the Unknow là một thay thế xứng đáng.
Sau khi cởi trói bản thân khỏi sự ràng buộc với Let It Go, Elsa đã thể hiện lòng dũng cảm của mình thông qua Into the Unknow. Giai điệu hùng hồn của ca khúc này khắc họa lòng quyết tâm đi tìm chính mình của Elsa và khẳng định hình ảnh một cô gái trẻ mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước khó khăn và thử thách.
Có một bài hát từng vang lên khi lâu đài Disney xuất hiện ở cả hai phần phim. Frozen 2 đã giải thích nguồn gốc của nó là bắt nguồn từ tộc Northuldra sống trong khu rừng kỳ bí. Họ đã ca bài hát này khi đón tiếp Elsa và Anna. Điều ít ai biết chính là nhạc sĩ Frode Fjellheim đã sử dụng chất liệu từ đời thực để đưa vào phim. Đó là một bài thánh ca của người Sami sống ở Bắc Cực. Tộc Northuldra cũng được xem là đã lấy cảm hứng từ người Sami.
Nội dung hấp dẫn nhưng không đột phá
Không khó để nhận ra biên kịch Jennifer Lee đã chọn hướng phát triển an toàn, thậm chí là quá an toàn, cho câu truyện đồng thời vẫn có thể tôn vinh các giá trị nữ quyền. Mấu chốt của Frozen 2 là việc tìm kiếm nguồn cội sức mạnh của Elsa cũng như những bí mật được giấu kín xung quanh nó. Đáng tiếc, chuyến hành trình dường như quá ngắn ngủi khi phải dành thời lượng cho vài ca khúc khá nhàm chán như Lost in the Woods của nhân vật Krisoff – người từ một chàng trai năng động, đáng yêu đã biến thành một gã si tình vô dụng.
Cây hài của phim là người tuyết Olaf đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vai trò của cậu trong Frozen 2 cũng hoàn toàn mờ nhạt, nếu không nói là không cần thiết. Về cơ bản, nếu Olaf, Krisoff và Seven ở lại Arendelle thì mọi chuyện vẫn có thể diễn ra một cách thuyết phục mà không bị ảnh hưởng tí nào.
Kết
Suy cho cùng, Frozen 2 là phim hoạt hình dành cho trẻ em. Và chắc chắn trẻ em sẽ rất thích bởi cốt truyện đơn giản nhưng không kém phần hào hứng cùng đồ họa xuất sắc. Còn về phía khán giả là người trưởng thành hay phụ huynh đi kèm thì khó tránh cảm giác hụt hẫng bởi sẽ so sánh nó với phần đầu – điều không mấy công bằng.