FRT gia nhập thị trường viễn thông di động

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) vừa được cấp phép để cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc vào ngày 30/05/2023. Như vậy, bên cạnh các nhà mạng di động lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel và các doanh nghiệp MVNO, FRT là đơn vị tiếp theo được cấp phép tại Việt Nam để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam là gần 130 triệu, trong đó các doanh nghiệp MVNO là 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao toàn thị trường. Với tên tuổi lớn của FRT cùng với việc gia nhập đường đua, thị trường này hứa hẹn sẽ càng trở nên sôi động hơn nữa.

Theo giấy phép số 135/GP-CVT có giá trị đến hết ngày 30/05/2033, FRT được phép cung cấp các dịch vụ này thông qua mạng viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung vào định hướng phát triển các thuê bao sử dụng 3G/4G hoặc các công nghệ cao hơn.

Tại Việt Nam, FRT gia nhập thị trường viễn thông di động với rất nhiều lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp “tiền nhiệm” khác. Doanh nghiệp này sở hữu mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc với hơn 800 cửa hàng FPTShop và gần 1300 cửa hàng Dược phẩm Long Châu, hiện vẫn đang trên đà tăng trưởng và mở rộng thêm. Mỗi năm, FRT bán ra trên 1,5 triệu máy điện thoại smartphone/thiết bị IoT các loại và là Đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động đến hàng trăm ngàn khách hàng.

Hơn thế, là thành viên của tập đoàn FPT, FRT có lợi thế khai thác hệ sinh thái dịch vụ số đa dạng của FPT để phát triển kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Tập đoàn FPT là đối tác của nhiều hãng công nghệ toàn cầu và đã cung cấp nhiều giải pháp phần mềm, phần cứng, dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin cho các công ty viễn thông di động Việt Nam và quốc tế trong suốt hàng chục năm nay. Sở hữu nhiều thế mạnh vượt trội, FRT kỳ vọng sẽ trở thành một mạng di động mới đầy trẻ trung, năng động hướng đến người tiêu dùng trẻ, hiện đại và luôn đón đầu ứng dụng công nghệ mới.

Khác với các nhà mạng truyền thống, nhà mạng MVNO không sở hữu hạ tầng mạng vô tuyến, mà thay vào đó MVNO sẽ cung cấp dịch vụ viễn thông bằng cách liên kết với một đơn vị nhà mạng đã sở hữu hạ tầng sẵn có và phân phối cho khách hàng dựa trên những thế mạnh của mình. Thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy có đến 1.986 doanh nghiệp MVNO đang hoạt động trên toàn cầu, nhiều hơn gấp đôi số lượng của các nhà khai thác mạng viễn thông truyền thống.

Doanh thu của thị trường MVNO trên thế giới năm 2022 cũng đạt con số lý tưởng 78,15 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt qua mốc 124,81 tỷ USD vào năm 2028. Tầm vóc của mạng di động MVNO cũng không gói gọn trong phạm vi một lãnh thổ hay quốc gia. Đơn cử như Lyca Mobile là doanh nghiệp MVNO lớn nhất thế giới, hoạt động tại 23 quốc gia trên khắp năm châu lục, bao gồm cả Vương quốc Anh, Mỹ và phần lớn của Châu Âu.

Thời gian để triển khai hệ thống kỹ thuật cho một nhà mạng MVNO mới thông thường sẽ mất từ 12 đến 15 tháng, FRT với lợi thế về công nghệ và sự hỗ trợ từ tập đoàn FPT kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian này và sớm cung cấp dịch vụ tới khách hàng.

BOX: Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (tên quốc tế: FPT Digital Retail Joint Stock Company) có trụ sở chính tại 261-263 Khánh Hội, Phường 02, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. FRT được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất, bao gồm: Dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced được cung cấp cho thuê bao viễn thông giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp; Dịch vụ viễn thông trên mạng viễn thông tiêu chuẩn GSM được cung cấp cho thuê bao viễn thông khi thực hiện tính năng CS Fallback hoặc trong trường hợp mạng viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 và IMT-Advanced không khả dụng.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/frt-gia-nhap-thi-truong-vien-thong-di-ong-a613187.html