'FTA mới' và câu chuyện chủ động thay đổi để hội nhập
Việc phê chuẩn và thực thi hai Hiệp định CPTPP và EVFTA cho thấy, Việt Nam đã chủ động và tích cực thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển đất nước.
“Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới luôn tạo cơ hội nhiều hơn thách thức đối với ngành gỗ. Trước đây xuất khẩu gỗ vào Liên minh châu Âu (EU), nếu Việt Nam được hưởng ưu đãi tối huệ quốc (MFN) mới được hưởng thuế bằng 0%. Nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP, gỗ xuất vào các quốc gia hoàn toàn về 0% đã là cơ hội tốt, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu như các dòng thuế 0% cho công nghệ thiết bị sẽ lợi cho Việt Nam rất nhiều. Các quốc gia lâm nghiệp trong CPTPP rất hùng mạnh, quản lý rất bài bản nên chúng ta sẽ học tập được về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm về sản xuất gỗ hợp pháp và bảo vệ môi trường…”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tôn Quyền - Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về cơ hội khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi và có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019.
Tuy nhiên, không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng “hữu xạ tự nhiên hương” như ngành gỗ gặp CPTPP. Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), để có được cơ hội làm ăn với 27 nền kinh tế lớn này đòi hỏi phải có sự chủ động đi trước, đón đầu thông qua nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư bài bản thì cơ hội mới đến.
Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh
Theo như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam, EU là thị trường mục tiêu của DN nên từ năm 2013 DN đã xây dựng chuỗi giá trị, kiểm soát được vùng nguyên liệu của mình, tức là từ vùng nguyên liệu đến khâu nhà máy cho đến xuất khẩu cho khách hàng…
“Để sản phẩm có thể vào được những thị trường khó tính như EU, DN cần rất nhiều loại chứng nhận quốc tế và đến nay DN đã có được. Nhưng một chứng nhận cao nhất mà DN rất tự hào là đơn vị tiên phong ở Việt Nam được chứng nhận hữu cơ quốc tế cho các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật…”, bà Huyền nói.
CPTPP và EVFTA là hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện bởi các cam kết sâu, rộng, bao hàm cả những nội dung truyền thống và phi truyền thống. Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi thực thi Hiệp định CPTPP tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam trong hội nhập.
“CPTPP tác động chung cho tất cả các ngành, trong đó có ngành phân phối, ngành logistics và thương mại điện tử, đó là môi trường đầu tư thuận lợi hơn, có những cam kết về thể chế trong CPTPP giúp môi trường được minh bạch, thuận lợi, an toàn hơn và thị trường hấp dẫn hơn…”, bà Trang nói.
Tương tự, EVFTA vừa góp phần tích cực xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, vừa giúp Việt Nam thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư. Hiệp định này còn thúc đẩy DN Việt Nam phải lớn lên trước các yêu cầu của hội nhập.
Đúc rút từ kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Văn Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho biết, xuất khẩu vào EU tạo cơ hội cho DN nâng cấp hệ thống quản lý. Khi hệ thống này được EU chấp nhận thì hàng hóa cũng dễ dàng xuất vào các thị trường khác như Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
“Bây giờ công ty chúng tôi chỉ còn 2 người làm logictics nhưng 1 năm làm XNK khoảng 4.000 contener hàng hóa, tờ khai hải quan mà vẫn còn nhàn. Khi DN đã có hệ thống quản lý rất tốt, các thị trường khác họ đều có thể lấy tiêu chuẩn EU để học và đi theo. Khi chúng ta có được hệ thống quản lý chất lượng thì chúng ta bán được toàn thế giới”, ông Cường quả quyết.
Theo các chuyên gia và nhà quản lý, các hiệp hội DN, ngành nghề, đã có rất nhiều cơ hội cả trực tiếp và gián tiếp đến từ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào các FTA thời gian qua, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP.
Đáng kể là đã có sự chuyển biến vượt bậc, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường, tuân thủ luật pháp quốc tế đến tư duy quản lý của doanh nghiệp và ý thức của từng người lao động… Cũng nhờ đó, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp có sự thay đổi rõ rệt.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lịch sử mở cửa cho thấy những lĩnh vực nào sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, mở cửa từ rất sớm, từ bỏ bảo hộ từ rất sớm thì hiện nay đang có năng lực cạnh tranh cao, còn những lĩnh vực vẫn luôn luôn trong sự ôm ấp của vòng tay bảo hộ thì không phát triển được. Đấy là bài học kinh nghiệm của hành trình mở cửa vừa qua và đang là một tinh thần cho giai đoạn hội nhập hiện nay.
Thế và lực Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế
Có thể khẳng định, việc phê chuẩn và thực thi hai Hiệp định CPTPP và EVFTA trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy Việt Nam đã bước đầu thực hiện thành công các chủ trương được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng như hiện thực hóa nhiệm vụ “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước” tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, tất cả điều đó đã nói lên rằng, Việt Nam là một quốc gia nhất quán, chủ động và rất tích cực trong thực thi hội nhập và mở cửa. Qua đó, vị thế chính trị, uy tín ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định và mang lại những lợi ích rất rõ nét cho Việt Nam cả trong trước mắt và dài hạn.
“Có thể nói kết quả của giai đoạn 2016-2020 gắn chặt và được đặt trong một nền tảng của Chiến lược hội nhập rất chủ động và mang tính toàn diện. Chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ mở cửa, thực hiện hội nhập mang tính chủ động, sâu và rộng trong kinh tế và thương mại”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Từ một quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU, và thuộc nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn hiệp định CPTPP. Cùng với tiến trình này, cả thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, giúp Việt Nam tự tin, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động và ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Một Việt Nam chủ động dẫn dắt trong đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - “siêu Hiệp định RCEP” tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020 - là Hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có các cam kết thương mại trước đó - càng khẳng định một Việt Nam tự tin bước vào giai đoạn mới trong tiến trình phát triển, hội nhập.
Phát biểu tại lễ ký Hiệp định RCEP đúng dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh: “Lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực (RCEP) ngày hôm nay là niềm tự hào, là thành quả to lớn của các nước ASEAN. Với vai trò trung tâm của mình, Việt Nam đã cùng các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực…”./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/fta-moi-va-cau-chuyen-chu-dong-thay-doi-de-hoi-nhap-867460.vov