Futsal Việt Nam tìm thành công bằng hướng đi mới
Lần đầu tiên trong lịch sử, giải vô địch futsal quốc gia sẽ tổ chức theo thể thức đá sân nhà, sân khách. Lối thi đấu tương tự V.League được những người làm futsal lựa chọn để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Futsal Việt Nam buộc phải thay đổi bằng cách nâng cao chất lượng giải đấu.
Lượng không bù nổi chất
Có thể nói, futsal là môn thể thao hiếm hoi tại Việt Nam có thể mời một huấn luyện viên (HLV) đẳng cấp thế giới về dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Từ Bruno Formoso, Miguel Rodrigo hay Diego Giustozzi đều là những HLV tầm cỡ. Khoảng thời gian làm việc tại Việt Nam giúp họ đưa ra 3 điểm chung cần cải thiện để phát triển môn thể thao này ra tầm thế giới.
3 điểm được đề cập bao gồm: Nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia; Tạo thêm sân chơi, thêm giải đấu để các cầu thủ có cơ hội liên tục trau dồi kinh nghiệm; và sử dụng ngoại binh. Trong 3 ý đó, việc nâng cao chất lượng giải vô địch futsal quốc gia luôn được quan tâm về mặt ý tưởng, nhưng cách làm lại không thực sự phát huy hiệu quả.
Những năm trước đây, giải vô địch futsal quốc gia thường diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm những đội thi đấu vòng loại, thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra những đội tốt nhất thi đấu vòng tiếp theo. Khoảng 2-4 đội đứng đầu giai đoạn 1 sẽ được "nhặt" vào đá vòng 2, cùng các câu lạc bộ (CLB) hàng đầu Việt Nam như Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc hay Sahako.
Thể thức thi đấu cũ giúp futsal Việt Nam tạo điều kiện cho nhiều đội bóng nhỏ, tiềm lực hạn chế cùng tham gia. Đây là điểm tích cực cho xu hướng phát triển futsal phong trào. Một số địa phương như Quảng Nam, Đắk Lắk, Cao Bằng đã thành lập đội futsal và duy trì ăn tập, thi đấu như một CLB. Nhưng "phong trào hóa" futsal cũng tiềm ẩn nhiều điểm trừ.
Ở thời điểm hiện tại, chênh lệch về trình độ giữa các đội futsal nhóm trên và nhóm dưới là rất lớn. Thực tiễn cho thấy kể từ khi áp dụng thể thức thi đấu theo 2 giai đoạn, những đội bóng được đôn lên giai đoạn 2 thi đấu cũng là những CLB xếp dưới cùng. Tình trạng đó không hề thay đổi suốt nhiều năm qua, và futsal vẫn chỉ là cuộc chơi của một vài CLB lớn.
"Nếu không liên tục tiến về phía trước, bạn đang tụt dần về phía sau". Câu nói đó có vẻ đúng với futsal Việt Nam trong bối cảnh "phong trào hóa". Nhìn chung, cuộc đua vô địch và đào tạo cầu thủ bài bản vẫn chỉ nằm trong một số đội bóng nhóm đầu. Phần còn lại dường như không có kế hoạch phát triển dài hạn, cùng những bước đầu tư rõ ràng.
"V.League hóa" futsal
Hiện tượng phát triển chỉ chú tâm về lượng thay vì nâng cao chất khiến giải vô địch quốc gia thiếu hấp dẫn. Trong bối cảnh futsal Việt Nam đã vươn tầm thế giới, điều đó phần nào đi ngược lại nhu cầu đưa môn thể thao này theo hướng thành tích cao, chuyên nghiệp hóa. Đây có lẽ là lý do khiến những người tâm huyết với futsal Việt Nam quyết định tìm hướng đi mới.
Trong ngày công bố giải vô địch futsal quốc gia 2023, Ban tổ chức cho biết giải đấu năm nay sẽ tiến hành theo thể thức hoàn toàn mới. Tương tự V.League, các đội sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt tính điểm. Mô hình tổ chức thi đấu 2 giai đoạn cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ còn 8 đội bóng thi đấu liên tục với mật đội 3-4 trận mỗi ngày.
Mô hình thi đấu mới giúp các đội futsal lần đầu trải nghiệm thể thức đá sân nhà, sân khách. 8 đội bóng tham dự giải có "sân nhà" tại 4 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Nha Trang (Khánh Hòa). Các đội sẽ di chuyển liên tục để thi đấu với lịch xếp sẵn, qua đó hứa hẹn nhiều bất ngờ có thể diễn ra.
Thể thức mới của giải vô địch futsal quốc gia đi kèm với những yêu cầu về mặt tài chính, nhân sự cho các CLB tham dự. Mật độ thi đấu liên tục phát sinh thêm nhiều chi phí, đặc biệt là tiền vé máy bay và lưu trú khách sạn. Những đội bóng vốn chỉ gom quân lại để đá tập trung cho một giải như trước kia sẽ không thể kham nổi kinh phí.
Việc chỉ có 8 đội tham dự giải vô địch futsal quốc gia 2023, thay vì 12-14 đội như những năm trước kia đã cho thấy không phải CLB nào cũng đủ kinh phí phát triển futsal theo mô hình mới. Xét trong ngắn hạn, việc này phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào tập luyện, thi đấu futsal, nhưng dường như VFF đã tính đến khả năng này từ trước.
Mô hình phát triển futsal theo lối cũ từng chứng kiến không ít câu lạc bộ lập ra chóng vánh theo ý thích của các ông bầu. Họ chiêu binh mãi mã, thi đấu một vài năm rồi buông tay khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn, hoặc đơn giản là không thích nữa. Cách làm thiên về cảm xúc ấy có thể vô tình kéo lùi sự phát triển của futsal Việt Nam trong dài hạn.
Thay vì để những ông bầu như vậy đến với futsal, Việt Nam cần có những người làm nghiêm túc như ông Trần Anh Tú. Tương tự bầu Đức, bầu Hiển tại V.League, ông Trần Anh Tú là người không tiếc tiền đầu tư vào futsal nhiều năm qua. Ông chưa bao giờ tiết lộ số tiền thực sự, mà chỉ nói ví von "chừng đó tiền tôi có thể mua nhiều biệt thự có sổ đỏ".
Việc thiết lập một mô hình chuyên nghiệp hóa futsal có thể là điều kiện giúp nhiều doanh nhân bắt tay, góp sức cùng bầu Tú. Bóng đá Việt Nam cần những ông bầu chịu chi, nhưng đã chứng kiến quá nhiều mất mát từ những đội bóng giải thể. Vòng lặp "lập nhanh tan rã sớm" không được phép xảy ra với futsal, bởi môn thể thao này chưa phổ biến đại chúng như bóng đá.
Trọng tài và ngoại binh
Giải vô địch futsal quốc gia 2023 lần đầu áp dụng quy định cho phép các đội sử dụng cầu thủ nước ngoài. Con số được giới hạn ở mức 1 ngoại binh và 1 Việt kiều mỗi đội, nhưng có thể được tăng thêm trong tương lai bởi tính chất thay người liên tục trong môn futsal. Điều này, một lần nữa, cho thấy vì sao VFF yêu cầu các đội đủ khả năng tài chính mới được tham dự.
Rõ ràng sự xuất hiện của những ngoại binh và cầu thủ Việt kiều sẽ nâng cao rõ rệt chất lượng chuyên môn của giải vô địch futsal quốc gia. Trong quá khứ, việc này từng được áp dụng nhưng chỉ với những CLB Việt Nam thi đấu giải châu Á. Thái Sơn Nam chính là đội bóng tiên phong trong sử dụng ngoại binh, và sẽ không bất ngờ nếu như họ có "Tây" tốt.
Chính sách áp dụng ngoại binh và cầu thủ Việt kiều có thể giúp futsal Việt Nam xem xét đến một phương pháp nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia: Sử dụng cầu thủ nhập tịch. Không giống bóng đá, nơi vốn khá khắt khe với cầu thủ nhập tịch, futsal lại chứng kiến hàng loạt chân sút đầu quân cho quốc gia khác bởi quê hương của họ đã “thừa” nhân tài.
Những khán giả từng xem World Cup futsal có thể thấy cầu thủ Brazil khoác áo đội tuyển Nga, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và nhiều quốc gia khác. Họ đều là những người đã thi đấu nhiều năm cho các CLB của nước sở tại. Việc nhập tịch cho cầu thủ futsal cũng được lên kế hoạch một cách bài bản, đảm bảo anh ta có thể cống hiến 5-10 năm, thậm chí lâu hơn cho đội tuyển quốc gia.
Nhưng quy định cho phép sử dụng ngoại binh hay cầu thủ Việt kiều chỉ là phần nổi trong mô hình phát triển futsal toàn diện tại Việt Nam. Ít ai biết, VFF đang tổ chức một lớp đào tạo trọng tài futsal chuyên biệt. Thay vì dùng trọng tài bóng đá sân 11 người làm nghề tay trái, Việt Nam chuẩn bị có một đội ngũ trọng tài mang chuyên môn, nghiệp vụ futsal thực thụ.
Sau thành công của khóa đào tạo trọng tài futsal, VFF có thể tiếp tục mở ra chương trình dành cho huấn luyện viên, săn sóc viên... cho môn thể thao này trong tương lai. Đó mới chính là bước đi vững chắc trên con đường phát triển futsal với những mục tiêu mới. Đó có thể là vô địch Đông Nam Á, lọt vào top 4 châu Á, hoặc đánh bại những đối thủ hàng đầu.
Sahako, ngôi sao mới của futsal Việt Nam
Nòng cốt đội tuyển futsal Việt Nam vẫn là những cầu thủ thuộc biên chế CLB Thái Sơn Nam. Nhưng trong những năm gần đây, futsal Việt Nam đang chứng kiến một đội bóng phát triển mạnh dù mới thành lập trong thời gian ngắn. Đó là Sahako, đương kim vô địch quốc gia. Tương tự Thái Sơn Nam, Sahako cũng là CLB đặt đại bản doanh tại TP Hồ Chí Minh.
Ông bầu của CLB Sahako là Nguyễn Hồng Sơn, một doanh nhân chuyên kinh doanh về hệ thống điện. Đội bóng được thành lập vào năm 2019, nhưng dần cho thấy sức mạnh khi sở hữu tiềm lực tài chính tốt cùng mô hình đầu tư bài bản. Họ giành ngôi Á quân ngay mùa giải đầu tiên tham dự, duy trì vị trí này trong 2 năm tiếp theo trước khi đăng quang ở mùa 2022.
Một điểm thú vị về chức vô địch futsal Việt Nam mùa giải 2022 của Sahako là họ đăng quang sớm một vòng đấu. Đây là dấu mốc lớn trong lịch sử đội bóng non trẻ này, đặc biệt trong bối cảnh Sahako không có nhiều tuyển thủ thường xuyên góp mặt trên đội tuyển quốc gia như Thái Sơn Nam, hay Thái Sơn Bắc.
Ngay trong trận đầu ra quân mùa giải 2023, Sahako đã giành chiến thắng thuyết phục 4-0 trước đối thủ Cao Bằng. Với phong độ hiện tại, đội bóng Sahako hoàn toàn đủ khả năng hướng đến những mục tiêu mới trong tương lai. Sau Thái Sơn Nam, họ có thể là đại diện tiếp theo của futsal Việt Nam tham dự những giải đấu quốc tế.