G.C Food và câu chuyện thành công từ chế biến sâu nông sản

Với tầm nhìn tạo ra chuỗi cung cấp thực phẩm sạch, hơn 14 năm qua, G.C Food không chỉ xây dựng thị trường từ các sản phẩm chất lượng, mà còn thành công chế biến sâu, nâng tầm nông sản Việt.

Từ ruộng đồng đến thương hiệu quốc gia

Nhà sản xuất Nha đam số 1 Việt Nam - Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) vừa được công nhận là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024. Đây chính là sự công nhận xứng đáng cho cho hành trình phát triển bền vững và tâm huyết của G.C Food với nông sản Việt, từ cánh đồng trong nước đến các thị trường quốc tế.

Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT G.C Food Nguyễn Văn Thứ chia sẻ: "Danh hiệu Thương hiệu quốc gia không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị phần và đưa nha đam Việt Nam vươn tầm quốc tế".

Ngay từ những ngày đầu, G.C Food đã định vị bản thân là thương hiệu sản xuất nha đam lớn nhất Việt Nam, với nhà máy Vietfarm hiện đại tại Ninh Thuận. Nếu so sánh với các DN trong khu vực Đông Nam Á, G.C Food đã có một lợi thế vượt trội nhờ vào quy mô và công nghệ tiên tiến.

Đẩy mạnh chế biến sâu giúp G.C Food đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt. Ảnh: Tiểu Thúy

Đẩy mạnh chế biến sâu giúp G.C Food đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt. Ảnh: Tiểu Thúy

Điểm khác biệt này không chỉ giúp công ty bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao vị thế trong ngành, đặc biệt khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất quốc tế tại Thái Lan hay Malaysia - những quốc gia có nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực nông sản nhiệt đới. Chính sự khác biệt về quy trình sản xuất và cam kết chất lượng đã giúp G.C Food mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và 22 quốc gia.

“Với niềm đam mê nông nghiệp sạch, tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc và sự chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, suốt hơn 14 năm qua, G.C Food đã và đang phát triển toàn diện để trở thành đơn vị dẫn đầu trong thị trường Nha đam và Thạch dừa cũng như các loại nông sản chủ lực khác” - ông Thứ tự hào.

Trước áp lực từ xu hướng tiêu dùng xanh và quy định nghiêm ngặt về môi trường ở các thị trường, GC Food đã phát triển một mô hình khép kín từ vùng nguyên liệu đến chế biến và phân phối nhằm đảm bảo tối ưu hóa các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Chế biến sâu là đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản Việt

Nhận định nhu cầu đối nông sản chế biến những năm gần đây tiếp tục tăng do khả năng đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp nông sản chế biến trở nên dễ lựa chọn hơn đối với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh thực phẩm, G.C Food không ngừng nâng cao công nghệ chế biến, cải thiện mẫu mã bao bì và áp dụng các tiêu chuẩn FSSC 22.000, Global Gap, USDA… từ đó góp phần giúp nông sản chế biến Việt Nam tạo được sự tin cậy từ khách hàng quốc tế.

Từ một ngành gắn liền với “được mùa, mất giá”, nông nghiệp giờ là ngành hàng tỷ USD với mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 từ 54 - 55 tỷ USD. Và để thiết lập kỷ lục trên, chế biến sâu được cho là một lời giải với nông sản Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra các sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Để giải quyết được bài toán này, Chủ tịch G.C Food Nguyễn Văn Thứ cho rằng, một trong những cách hiệu quả là chế biến sâu. “Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường. Lý do là bởi đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản” - ông Thứ nói.

Mở rộng ra với các sản phẩm nông nghiệp, ông Thứ cho rằng, chưa nói đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nếu chỉ tập trung vào mảng thực phẩm thì phải tìm cách để giới thiệu sản phẩm được sử dụng trong nhiều hình thái đa dạng thì đầu ra mới đảm bảo. Còn nếu nông dân chỉ bán bán nông sản thô thì sản lượng cũng sẽ chỉ duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, ông Thứ nhấn mạnh: “Đây không phải bài toán hôm nay nghĩ là mai có thể làm thành công, mà cần xây dựng thị trường, truyền thông thông điệp sản phẩm, người lao động, chất liệu, chất lượng sản phẩm cũng như ứng dụng của sản phẩm”.

Với góc nhìn của DN, ông Thứ đề xuất, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các DN cũng cần đầu tư kiện toàn và nâng cấp các nhà máy chế biến hiện có, nâng cấp công nghệ đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống kho bảo quản đáp ứng yêu cầu cho chuỗi cung ứng, bảo đảm duy trì chất lượng sản phẩm từ khâu thu hoạch đến tiêu thụ… mở ra cơ hội lớn đưa nông sản Việt đi khắp nơi trên thế giới.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/g-c-food-va-cau-chuyen-thanh-cong-tu-che-bien-sau-nong-san.html