G20 cam kết giảm thiểu nguy cơ kinh tế thế giới 'trượt dốc'

Các nước trong nhóm G20 cam kết sử dụng các công cụ chính sách để giảm nguy cơ kinh tế thế giới trượt dốc. Tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị trực tuyến bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng 7 vừa qua.

 Cuộc họp trực tuyến G20 cuối tháng 7 do Saudi Arabia chủ trì

Cuộc họp trực tuyến G20 cuối tháng 7 do Saudi Arabia chủ trì

Tuyên bố chung nêu rõ kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhóm sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu nguy cơ kinh tế "trượt dốc". Tuyên bố chung khẳng định G20 sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân; hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường hệ thống tài chính dù triển vọng kinh tế vẫn chưa có được sự chắc chắn.

Ngoài việc giải quyết các bất đồng, đạt sự đồng thuận trong các vấn đề nhằm thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, các thành viên G20 nhất trí giãn nợ cho những nước nghèo nhất. Về chương trình giãn nợ nhằm hỗ trợ các nước chống Covid - 19, bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm cho biết hiện 42 nước đang phát triển đã gửi yêu cầu giãn nợ đối với các khoản vay tổng cộng 5,3 tỷ USD.

Để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 4 vừa qua, G20 và các nước Câu lạc bộ Paris đã thống nhất giãn nợ cho những nước trong diện nghèo nhất từ ngày 1/5 đến hết năm nay. Tại cuộc họp trực tuyến lần này, G20 nhấn mạnh cả phía vay và cho vay cần thực hiện sáng kiến này một cách đầy đủ và minh bạch.

Cũng tại hội nghị, những người đứng đầu ngành tài chính của G20 đã thảo luận các quy định thuế quốc tế mới đối với những công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Apple và Amazon, trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh các doanh nghiệp này không nộp mức thuế công bằng. G20 cam kết sẽ tiếp tục thương lượng về quy định thuế nhằm thu hẹp bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững.

Là đầu tàu kinh tế châu Âu, tại cuộc họp của G20 lần này, Đức đã cam kết viện trợ 3 tỷ Euro để giúp các nước nghèo nhất thế giới. Các quỹ sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay dài hạn cho Quỹ Giảm nghèo và tăng trưởng (PRGT) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đức sẽ cung cấp tổng cộng 8,7 tỷ Euro cho các gói viện trợ quốc tế vào năm 2020 và 2021. Tổng Giám đốc IMF hoan nghênh “sự hào phóng” của Đức và kêu gọi các nhà tài trợ khác cũng đưa ra các cam kết tương tự.

IMF trước đó cũng nhận được cam kết tổng cộng 11,7 tỷ USD từ Australia, Nhật Bản, Canada, Pháp và Anh để bổ sung cho PRGT. Sự vắng mặt của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, trong việc tham gia nỗ lực trợ giúp các nước nghèo, khiến các thành viên G20 không khỏi băn khoăn. Hội nghị lần này là cơ hội để G20 hối thúc các thành viên trong khối chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia vào nỗ lực vực dậy nền kinh tế thế giới.

IMF cảnh báo, mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt những “cơn gió ngược” kéo dài, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, một số nước cần được xóa nợ để không bị rơi vào “bẫy nghèo đói” dài hơn. Những cam kết và hành động mà G20 đang thúc đẩy được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và coi đó là những biện pháp cần thiết nhằm giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiến tới phục hồi, bảo đảm tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/g20-cam-ket-giam-thieu-nguy-co-kinh-te-the-gioi-truot-doc-81219.html