G20 cam kết phối hợp hành động
Như Báo Nhân Dân đưa tin, tại hội nghị cấp cao trực tuyến, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khẳng định nỗ lực phối hợp để đưa thế giới vượt qua đại dịch Covid-19.
Như Báo Nhân Dân đưa tin, tại hội nghị cấp cao trực tuyến, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khẳng định nỗ lực phối hợp để đưa thế giới vượt qua đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết "ưu tiên tuyệt đối" và lập mặt trận thống nhất chống dịch, theo đó phối hợp các biện pháp nhằm giữ vững ổn định tài chính, khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn. Theo Reuters, G20 sẽ "bơm" khoảng 5.000 tỷ USD thông qua các biện pháp tài khóa để hỗ trợ kinh tế toàn cầu. Số tiền này tương đương gói cứu trợ mà G20 đưa ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề nghị G20 tăng cường khả năng tài chính khẩn cấp nhằm ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Giám đốc điều hành IMF K.Georgieva nhấn mạnh, vấn đề quan trọng hàng đầu là hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động nặng nề do dịch bệnh.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) D.Malpass ngày 26-3 đề xuất một gói hỗ trợ mới, có thể cấp tới 160 tỷ USD, nhằm ứng phó dịch Covid-19. Trước đó, WB phê chuẩn gói 14 tỷ USD tập trung khắc phục các hậu quả y tế và xã hội trước mắt.
Trung Quốc cũng kêu gọi các thành viên G20 cùng hành động nhằm khôi phục niềm tin vào kinh tế toàn cầu, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô trong ứng phó dịch Covid-19. Trung Quốc nhấn mạnh về các biện pháp như cắt giảm thuế, xóa rào cản thương mại, khơi thông dòng chảy thương mại và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày 27-3, Chủ tịch Trung Quốc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump, thảo luận về ứng phó dịch Covid-19. Hai bên nhấn mạnh về "đoàn kết chống đại dịch".
Tổng thống Nga V.Putin chia sẻ ý tưởng về kế hoạch hành động chung nhằm hỗ trợ kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Nga đề xuất hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt liên quan hàng hóa thiết yếu, đồng thời tạo một quỹ đặc biệt dưới sự kiểm soát của IMF. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cho rằng, biện pháp cần thiết là duy trì giao lưu kinh tế giữa các nước, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh...
Tổng thống Nam Phi C.Ramaphosa kêu gọi G20 hỗ trợ các gói kích thích phát triển kinh tế cho châu Phi trong bối cảnh Covid-19 đang làm "cạn kiệt" nguồn lực của châu lục này. Tổng thống Nam Phi cho biết, ông và lãnh đạo các quốc gia trong khu vực cũng đề nghị IMF và WB xem xét giãn và xóa nợ cho các nước châu Phi.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) ưu tiên hạn chế việc đi lại không cần thiết của người dân, nhưng đồng thời nỗ lực bảo đảm dòng lưu chuyển hàng hóa, giúp bảo vệ tốt nhất thị trường chung châu Âu. Bên cạnh đó, EU nhất trí hỗ trợ tối đa công tác nghiên cứu và hợp tác trong cộng đồng khoa học để chống dịch.
Bộ trưởng Tài chính Anh R.Sunak tuyên bố, Anh phát động chương trình can thiệp kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Anh đã công bố gói hỗ trợ khoảng năm triệu lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong khi đó, Quốc hội Phần Lan nâng viện trợ tài chính cho các doanh nghiệp lên một tỷ ơ-rô, từ mức 200 triệu ơ-rô do chính phủ đề xuất tuần trước.
Ngày 27-3, Chính phủ Malaysia công bố gói kích cầu "lấy con người làm trung tâm", trị giá hơn 58 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết, sẽ sớm đưa ra gói kích thích kinh tế, có thể tới 515 tỷ USD (khoảng 10% GDP). Ấn Ðộ triển khai gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 23 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả dịch.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, Mỹ có thể rơi vào suy thoái và tiến trình kiểm soát dịch Covid-19 sẽ quyết định thời điểm nền kinh tế Mỹ có thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vẫn giữ nguyên mức xếp hạng AAA của Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia của Liên hợp quốc cảnh báo về "sự sụt giảm thảm họa" của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới do tác động của Covid-19. Theo đó, FDI toàn cầu có thể thấp hơn 40% so các dự báo hồi tháng 1 với các mức tăng FDI đạt 5% năm nay và năm 2021.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lượng việc làm bị mất trên toàn thế giới do Covid-19 có thể cao hơn nhiều so con số 25 triệu người mà ILO ước tính. Theo số liệu ngày 26-3, số người Mỹ nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục với hơn ba triệu người. Số người mất việc làm ở Tây Âu cũng tăng vọt, bất chấp các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ.
Theo Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), dịch Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 250 tỷ USD trong năm 2020. IATA gửi thư tới lãnh đạo 18 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc cho biết, dịch bệnh sẽ khiến lượng du khách tại châu Á - Thái Bình Dương giảm hơn 10%. Kể cả khi dịch được kiểm soát, doanh thu từ du lịch toàn cầu vẫn giảm gần
63 tỷ USD.
Giá dầu giảm mạnh và hạn hán kéo dài có thể gây thiệt hại lớn với nền kinh tế Algeria. Doanh thu từ dầu của Algeria năm 2020 dự kiến chỉ đạt từ 20 tỷ đến 30 tỷ USD, so mức 36 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập quyết định hạ mục tiêu tăng trưởng GDP tài khóa 2019-2020 (kết thúc cuối tháng 6 tới) từ mức 5,6% xuống 5,1%...