G20 cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến ngày 18-7 khẳng định quyết tâm sử dụng các biện pháp kinh tế có sẵn nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị G20 diễn ra vào thời điểm đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo một cuộc khủng hoảng nợ tại các nước đang phát triển. Trong các báo cáo hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" kéo dài, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. IMF dự báo kinh tế thế giới có thể suy giảm 4,9% trong năm 2020, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giảm 5,2%, đồng thời nhấn mạnh đại dịch đang khiến thế giới đối mặt với sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ trước.

 Đại diện của Saudi Arabia-nước hiện là Chủ tịch luân phiên của G20 tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Reuters

Đại diện của Saudi Arabia-nước hiện là Chủ tịch luân phiên của G20 tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh: Reuters

Bởi vậy, mục đích của cuộc họp trực tuyến lần này của Nhóm G20 là thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu và sự phối hợp hành động chung nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Tuyên bố chung sau cuộc họp đã một lần nữa khẳng định mục tiêu này. Tuyên bố cũng nêu rõ G20 sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân; hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và nâng khả năng chống chịu rủi ro cho hệ thống tài chính.

Những biện pháp phong tỏa tại nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã gây sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên toàn cầu. Sự gián đoạn này có nguy cơ để lại những vết sẹo lâu dài ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển. Được biết, 42 trong số 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đã phải yêu cầu giãn nợ tới Nhóm G20 đối với các khoản vay trị giá tổng cộng 5,3 tỷ USD. Để hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 4 vừa qua, G20 và các nước Câu lạc bộ Paris đã thống nhất giãn nợ cho những nước trong diện nghèo nhất từ ngày 1-5 đến hết năm nay. Tại cuộc họp trực tuyến lần này, G20 nhấn mạnh cả phía vay và cho vay cần thực hiện sáng kiến này một cách đầy đủ và minh bạch.

Bên cạnh các biện pháp ứng phó với tác động về kinh tế của dịch Covid-19, tại hội nghị lần này, những người đứng đầu ngành tài chính của G20 cũng thảo luận về những quy định thuế quốc tế mới đối với các công ty công nghệ lớn như: Google, Facebook, Apple và Amazon, trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh các công ty này không nộp mức thuế công bằng. G20 cam kết sẽ tiếp tục thương lượng về quy định thuế nhằm thu hẹp bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững.

G20 gồm: Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu. Với sự tích cực, chủ động trong việc đưa ra các giải pháp đối phó với những thách thức toàn cầu từ đại dịch Covid-19, G20 đang từng bước chứng minh khả năng và thực lực trong việc trở thành “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá G20 là đại diện cho những thực tế mới của thế kỷ 21. Nhóm các quốc gia đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những giải pháp quan trọng củng cố sự hợp tác quốc tế, tạo bàn đạp để nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng dịch Covid-19.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/g20-cam-ket-thuc-day-phuc-hoi-kinh-te-toan-cau-627426