G20 FMM tập trung vào an ninh lương thực
Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 FMM) với chủ đề 'Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn' diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7 tại Bali, Indonesia, đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, gây gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu.
Nền tảng của chiến lược đa phương
G20 FMM gồm 2 phiên họp. Phiên đầu tiên về tăng cường chủ nghĩa đa phương thảo luận các động thái chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới. Trong phiên đầu tiên, 2 diễn giả đặc biệt gồm Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres và GS Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) chia sẻ ý kiến và quan điểm về việc tăng cường các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay. Phiên thứ 2 về an ninh lương thực và an ninh năng lượng thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao. Giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 sẽ thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế - xã hội bền vững.
Tại phiên này, 3 diễn giả đặc biệt - gồm Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động năng lượng LHQ (UN-Energy) Damilola Ogunbiyi, và Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới Mari Elka Pangestu, chia sẻ về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với kinh tế và sự phát triển của thế giới. G20 là nền tảng chiến lược đa phương quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo tương lai của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu.
An ninh lương thực
An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu trong năm nay của G20, trong bối cảnh lo ngại rằng ngày càng nhiều người trên thế giới có nguy cơ bị đói do những thách thức toàn cầu. Trích dẫn một báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới, bà Retno cho biết 323 triệu người trên thế giới có thể đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2022, gấp đôi con số trước Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine. Về vấn đề xung đột toàn cầu, bà Retno nói rằng cần tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình thành công mới có thể chấm dứt chiến tranh.
Trong chương trình của G20 FMM bao gồm cuộc họp của các nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp (MACS) thuộc nhóm Công tác Nông nghiệp của G20. MACS tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường phát triển bền vững để đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực và môi trường. Trong cuộc họp, các chuyên gia từ các nước thành viên G20, các nước khách mời và một số tổ chức quốc tế đã thảo luận về 4 ưu tiên nông nghiệp toàn cầu do Indonesia đề xuất gồm chính sách an ninh lương thực sau đại dịch Covid-19; nông nghiệp thích ứng với khí hậu; thất thoát và lãng phí lương thực, nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số. Hội nghị thường niên MACS là một phần trong sáng kiến của bộ trưởng nông nghiệp các nước G20 nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến nông nghiệp và dinh dưỡng, vốn được coi là cần sự hợp tác của nhiều quốc gia. Các thành viên G20 nhận thấy rằng nghiên cứu nông nghiệp, công nghệ và đổi mới đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ năng suất lương thực, dinh dưỡng và môi trường. Vì vậy, mọi thành công trong cách tiếp cận và thực hiện chính sách nông nghiệp của mỗi quốc gia cần được chia sẻ giữa các thành viên G20 như một giải pháp chung.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//g20-fmm-tap-trung-vao-an-ninh-luong-thuc-825819.html