G20 gặp khó về mục tiêu giảm khí thải

Cuộc họp cấp bộ trưởng môi trường và năng lượng thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa kết thúc tại Napoli, Italy, đã không có tiếng nói chung về mục tiêu kiềm hãm nhiệt độ toàn cầu. Điều này cho thấy còn rất nhiều việc phải làm từ nay đến Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Scotland vào tháng 11 tới.

Lũ lụt nặng nề tại Đức vừa qua là hậu quả của biến đổi khí hậu

Lũ lụt nặng nề tại Đức vừa qua là hậu quả của biến đổi khí hậu

Không thể vượt qua bất đồng

Cắt giảm khai thác than là một trong số những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa Mỹ, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Chính vì vậy, các bộ trưởng cũng không thể đưa cam kết loại bỏ điện chạy than trong thông cáo chung. Đây được đánh giá là sự cố làm mờ đi triển vọng cho một thỏa thuận có ý nghĩa tại COP26. Báo Nikkei Asian dẫn lời ông Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách quá trình chuyển đổi sinh thái của Italy, Chủ tịch G20 năm 2021, cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga - những nước sử dụng nhiều điện than, rất “khó khăn”. Việc cắt giảm khai thác dầu khí cũng đã không tìm được tiếng nói chung do sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu.

Vào tháng 6, Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và chấm dứt hỗ trợ của nhà nước đối với xuất khẩu nhà máy sản xuất điện chạy than. Các thành viên G-20 là một phần chủ chốt của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2°C .

Báo cáo mới nhất của BloombergNEF và Bloomberg Philanthropies cho biết, G20 đã trợ cấp hơn 3,3 tỷ USD cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015. Theo các tác giả của báo cáo, việc hỗ trợ cho than, dầu và khí là “liều lĩnh” khi thế giới đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu với nhiều trận thiên tai thảm khốc ngày càng leo thang. Báo cáo cho biết gần như tất cả các quốc gia thành viên G20 tiếp tục hỗ trợ tài chính đáng kể cho sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, Australia đã tăng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch lên 48% trong giai đoạn này, trợ cấp của Canada tăng 40% và hỗ trợ từ Mỹ là 37%. Các khoản trợ cấp lớn nhất đến từ Trung Quốc, Saudi Arabia, Nga và Ấn Độ, chiếm phân nửa tổng số trợ cấp. Năm 2009, G20 đã đồng ý loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả” nhưng có rất ít tiến bộ.

Tìm điểm chung

Tạm gác lại một số khác biệt, tại hội nghị ở Napoli, các bộ trưởng G20 đã ký một thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời ra một thông cáo chung về môi trường với 3 nội dung chính. Thứ nhất là đa dạng sinh học: bảo vệ vốn tự nhiên và phục hồi các hệ sinh thái bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên, bảo vệ và phục hồi đất, bảo vệ các nguồn tài nguyên nước, đại dương và biển bao gồm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa. Hai là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung vào dệt may và thời trang bền vững, giáo dục và đào tạo, công nhận mối liên hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Ba là tài chính bền vững: tập trung vào các nhu cầu tài chính cụ thể cho việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái như một đóng góp cho việc định dạng tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani đánh giá thông cáo chung này là một kết quả “đặc biệt tham vọng”, khi nhấn mạnh “đây là lần đầu tiên những điều như vậy được viết ra một cách rõ ràng và mang tính ràng buộc với những nước đang tạo ra 80% GDP của thế giới, nhưng cũng chiếm tới 85% lượng khí thải carbon toàn cầu”. Việc thúc đẩy hành động vì khí hậu ở tất cả các cấp, cũng như các nỗ lực phối hợp giữa các thành viên G20 là rất quan trọng để theo đuổi mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5-2°C và đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững và có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu sau đại dịch trên toàn thế giới.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/g20-gap-kho-ve-muc-tieu-giam-khi-thai-749041.html