G20 gặp nhiều 'đá tảng' khi tìm quan điểm chung về khí hậu

Trong ngày họp thứ hai, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới gặp nhiều khó khăn khi phải vượt qua những quan điểm khác biệt về cách ứng phó với tình trạng nhiệt độ toàn cầu ấm lên, trước khi họ cùng đến hội nghị quan trọng về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Ảnh: Reuters

Ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Roma (Ý) chủ yếu tập trung vào vấn đề y tế và kinh tế, còn trọng tâm của ngày thứ hai là khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, dự thảo thông cáo chung của G20 cho thấy các quốc gia đạt được ít tiến triển trong việc đưa ra cam kết mới nhằm khống chế phát thải.

G20, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Mỹ, chiếm tới khoảng 80% phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Cuộc họp lần này của G20 được coi là bước đệm quan trọng để tiến tới Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, nơi quy tụ lãnh đạo và đại diện gần 200 quốc gia.

“Các báo cáo mới nhất đáng thất vọng, với rất ít cảm giác về tính khẩn cấp trước một tình trạng khẩn cấp đang hiện hữu. Không còn thời gian cho những danh sách mong muốn mơ hồ, chúng ta cần những cam kết và hành động cụ thể”, Oscar Soria, thành viên mạng lưới hoạt động về khí hậu Avaaz, nói với Reuters.

Theo Reuters, bản ngôn từ trong dự thảo thứ 5 của tuyên bố chung G20 không cứng rắn hơn khi nói về hành động khí hậu so với những bản trước, thậm chí hạ giọng hơn trong một số nội dung, như sự cần thiết phải đưa phát thải về 0 vào năm 2050. Các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) nói rằng mục tiêu giữa thế kỷ này là khống chế nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5 độ C, một giới hạn để tránh gia tăng mạnh những sự kiện cực đoan như hạn hán, bão và lũ lụt.

Các quốc gia phương Tây đã dừng cấp vốn cho dự án điện than ở nước đang phát triển, và những nền kinh tế lớn ở châu Á cũng hành động tương tự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước thông báo trước Đại hội đồng LHQ rằng Bắc Kinh sẽ dừng rót vốn cho những dự án như vậy. Nhật Bản và Hàn Quốc cam kết điều đó từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa đặt ra thời hạn dừng xây dựng các nhà máy điện than trong nước. Than vẫn là nguồn năng lượng chính của nước này. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cưỡng lại việc G20 ra tuyên bố về loại bỏ tiêu thụ than trong nước. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trước khi đến Roma rằng ông đã cố gắng nhưng không thể thuyết phục ông Tập Cận Bình cam kết loại bỏ sử dụng than, AP đưa tin.

Các bộ trưởng năng lượng và môi trường của G20 khi họp tại Naples hồi tháng 7 đã không nhất trí được về thời điểm chấm dứt bảo hộ nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt điện than, vì vậy đã kiến nghị các lãnh đạo tìm giải pháp tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Dự thảo tuyên bố mới nhất cho thấy các lãnh đạo G20 cũng không đạt được mấy tiến triển, vì họ chỉ cam kết “làm hết sức” để ngăn chặn xây dựng các nhà máy điện than mới trước năm 2030 và khẳng định sẽ chấm dứt trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch “trong trung hạn”.

Một số nước đang phát triển không muốn cam kết cắt giảm khí thải cho đến khi các nước giàu thực hiện lời hứa cách đây 12 năm về việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2020 để giúp nước đang phát triển xử lý những tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Lời hứa đó chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng “không tin tưởng” mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói là kìm hãm tiến triển trong các cuộc đàm phán về khí hậu hiện nay.

Bình Giang

Theo Reuters, AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/g20-gap-nhieu-da-tang-khi-tim-quan-diem-chung-ve-khi-hau-post1389302.tpo