G20 không đạt được đồng thuận về loại bỏ điện than
Các bộ trưởng về môi trường và năng lượng thuộc nhóm G20 mới đây đã ký kết thỏa thuận tái cam kết tuân thủ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tuy nhiên không đạt được sự đồng thuận ở một số vấn đề, trong đó có loại bỏ điện than.
Cuộc họp của các bộ trưởng môi trường và năng lượng nhóm G20 vừa qua là bước đi quan trọng trước thềm cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) diễn ra vào tháng 11 tới.
Trong bối cảnh những diễn biến thời tiết cực đoan diễn ra tại cả 3 châu lục, bao gồm châu Mỹ, châu Á và châu Âu, cuộc họp về biến đổi khí hậu của G20 được kỳ vọng sẽ đưa ra được những cam kết mới tham vọng về tài trợ cho khí hậu và mục tiêu không phát thải ròng mạnh mẽ hơn.
Tại cuộc họp, đại diện các quốc gia đã ký thỏa thuận tái cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ những điều khoản thuộc Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các quốc gia đưa ra thông cáo chung gồm 58 điểm và đều nhất trí khử các bon là yêu cầu cần thiết.
“Đây là lần đầu tiên G20 chấp nhận các chính sách về năng lượng và khí hậu có tính kết nối chặt chẽ với nhau”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Italy Roberto Cingolani cho biết.
Tuy nhiên, những thành tựu của cuộc họp chỉ dừng lại ở đó, khi đại diện các quốc gia không tìm được tiếng nói chung cho một số vấn đề.
Một trong số đó là cam kết về loại bỏ dần nhiệt điện than khi một số ủng hộ mục tiêu loại bỏ hoàn toàn điện than vào năm 2025, tuy nhiên số còn lại nhận định điều đó là không thể. Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước phản đối mục tiêu này.
Mặt khác, G20 chưa thống nhất về cách diễn đạt của giới hạn hạn chế sự nóng lên toàn cầu từ 1,5 – 2 độ C được đưa ra tại Thỏa thuận Paris. Các bộ trưởng chỉ thừa nhận “các tác động của biến đổi khí hậu ở mức nóng lên toàn cầu 1,5 độ C thấp hơn nhiều so với mức 2 độ C nhưng lại không thừa nhận mục tiêu giữ cho nền nhiệt chỉ nóng hơn 1,5 độ C. Nhóm này cũng không đưa ra cam kết tài chính mới để đầu tư cho các mục tiêu khí hậu.
Trước đó, cuộc họp về biến đổi khí hậu của nhóm G7 cũng khó khăn trong việc đưa ra các cam kết chung về nhiệt điện than. Nhóm này đã đi đến thống nhất ngừng cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn tiếp tục phát triển nhiệt điện than ở trong nước.
Ông Cingolani cho biết, các vấn đề chưa được nhất trí sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại hội nghị của G20 diễn ra vào tháng 10 sắp tới, với mong muốn đưa ra được một kế hoạch đầy tham vọng trước thềm COP26.
Ông Tom Evans, chuyên gia tại London nhận định, kết quả cuộc họp G20 là một lời cảnh báo COP26 khó có thể thực hiện được sứ mệnh, đòi hỏi những nỗ lực cao hơn từ phía lãnh đạo các nước.