G20 không thống nhất được lộ trình giảm nhiên liệu hóa thạch
Các Bộ trưởng Năng lượng của nhóm G20 đã gặp mặt tại Goa, Ấn Độ hôm thứ Bảy (22/7), nhưng đã không thể đi tới một thống nhất về lộ trình giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.
Tuyên bố cuối cùng sau cuộc họp thậm chí còn không đề cập đến than đá, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiên liệu này là năng lượng chính cho nhiều nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ và Trung Quốc.
Điều này được xem như thất bại kể cả khi các nhà lãnh đạo các nước G7 đã đồng ý tại Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5 vừa rồi về việc “đẩy nhanh việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”. Hiện, nhiệt độ toàn cầu đang đạt mức cao kỷ lục, gây ra lũ lụt, bão và sóng nhiệt.
Giải thích cho sự bế tắc, Chủ tịch G20 Ấn Độ cho biết một số thành viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một “giai đoạn giảm sóc, phù hợp với hoàn cảnh các quốc gia khác nhau”.
“Với các kỷ lục về nhiệt độ được thiết lập hàng ngày trên khắp thế giới và tác động của biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát, thế giới cần nghe thấy lời cam kết hành động rõ ràng từ Bộ trưởng các nước G20”, ông Alden Meyer, một cộng sự cấp cao tại tổ chức tư vấn khí hậu độc lập E3G, nói trong một tuyên bố.
Một liên minh gồm các nền kinh tế chủ chốt của Liên minh châu Âu, bao gồm Đức, Pháp và một số quốc đảo dễ bị tổn thương nhất, trong tuần này đã thúc giục G20 đẩy nhanh các kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Họ kêu gọi lượng khí thải nhà kính đạt đỉnh muộn nhất vào năm 2025 và cắt giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030, phù hợp với các khuyến cáo gần đây từ các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc.
Hoàng Nam (theo DPA, AFP, SCMP)