G20 ưu tiên vấn đề phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững
Các nước thành viên G20 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế và y tế toàn cầu cũng như những nỗ lực hướng tới sự phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 9/7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã được khai mạc tại Venice (Italy).
Đây là hội nghị thứ ba trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Italy và là hội nghị trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2/2020.
Tại hội nghị này, các nước thành viên G20 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế quốc tế và y tế toàn cầu cũng như những nỗ lực hướng tới sự phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 cũng đề cập đến mối liên hệ giữa cuộc cách mạng kỹ thuật số và năng suất, việc hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, các vấn đề thuế quốc tế, các vấn đề của khu vực tài chính và việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh.
Các Bộ trưởng Tài chính G20 đang hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên quan đến vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế, với Hội đồng Ổn định tài chính về sự ổn định tài chính toàn cầu và giảm thiểu rủi ro, với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm giúp các chính phủ thu thêm thuế từ các công ty lớn.
Trong khuôn khổ các ưu tiên của Italy - Chủ tịch G20 năm nay - là “Con người, Hành tinh, Sự thịnh vượng,” hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đang hướng tới mục tiêu là cầu nối cho các nỗ lực duy trì sự phục hồi, bằng việc phát triển các chiến lược dài hạn để thúc đẩy và đồng hành với quá trình chuyển đổi theo hướng xanh hơn, kỹ thuật số hơn và các xã hội hòa nhập.
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng này đòi hỏi các nền kinh tế toàn cầu phải hợp lực. Đây là lý do tại sao Italy coi chủ nghĩa đa phương mới và sự tham gia rộng rãi của tất cả các bên là những nguyên tắc chỉ đạo của hợp tác quốc tế.
Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 tại Venice lần này có hơn 60 phái đoàn, gồm các Bộ trưởng Tài chính, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước thành viên.
Bên lề hội nghị này, còn có các hội nghị thường niên của Diễn đàn Toàn cầu về năng suất, Hội nghị Cấp cao G20 về thuế và Hội nghị Quốc tế Venice về khí hậu, được tổ chức trong các ngày 8-11/7./.