G20 và nhiệm kỳ chống đói nghèo
Khép lại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2024, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên cho người đồng cấp Nam Phi, Cyril Ramaphosa, sau 1 năm đảm nhiệm trọng trách này.
Trong chương trình nghị sự suốt năm qua, Brazil đã tập trung vào 3 chủ đề chính: hòa nhập xã hội và chống đói nghèo; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu. Tất cả những ưu tiên này hướng đến mục tiêu mà nước Chủ tịch đề ra là xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Hơn 130 hội nghị đã diễn ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Brazil, bao gồm 22 hội nghị cấp bộ trưởng, 66 sự kiện quốc tế bên lề, 20 hoạt động cấp quốc gia và 24 cuộc họp của các tổ chức. Hơn 200.000 nguyên thủ quốc gia, quan chức, đại biểu và khách mời đã tới Brazil trong năm qua để dự các hoạt động G20. Chỉ riêng trong Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra trong các ngày 18 và 19/11, ngoài các nước thành viên, Tổng thống Brazil Lula da Silva còn mời Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, nhiều tổ chức quốc tế và một số quốc gia Nam Bán cầu, trong đó có Việt Nam, tham dự, nâng số phái đoàn có mặt lên 56.
Brazil đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza và xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt và ngày càng leo thang căng thẳng. Mục tiêu Brazil đề ra ban đầu đó là tập trung vào những vấn đề xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững nhưng bối cảnh địa chính trị phân hóa sâu sắc đã ảnh hưởng phần nào tới kết quả của hội nghị năm nay.
Trước những thách thức và khó khăn không hề nhỏ, tuy nhiên, với chính sách hòa hợp, cân bằng và khéo léo, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã thành công trong việc thiết lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, với sự tham gia của 82 quốc gia và tổ chức khu vực, quốc tế cung cấp tài chính cho cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo và nhân rộng các chương trình đã thành công ở một số quốc gia, trong đó có nước chủ nhà Brazil. Mục tiêu của chương trình này là xóa bỏ nạn đói và giúp đỡ hơn nửa tỷ người thiếu ăn vào cuối thập kỷ này.
Trong 2 nhiệm kỳ từ năm 2003 - 2010, Tổng thống Lula da Silva nổi tiếng với những thành tựu của chương trình xóa đói giảm nghèo tại Brazil, với tỷ lệ đối nghèo giảm tới 80%. Ông đã dùng thành tựu này của Brazil để kêu gọi giảm thiểu bất bình đẳng trên thế giới tạo vị thế của nền kinh tế số một Nam Mỹ trên trường quốc tế. Tổng thống Lula da Silva nhiều lần bày tỏ quan ngại khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới đạt 100.000 tỷ USD/năm, nhưng vẫn có tới 735 triệu người thiếu ăn và có tới 8% dân số thế giới sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.
Sự ra đời của sáng kiến và việc mở rộng nó cho cả các thành viên ngoài nhóm G20, nói như một số chuyên gia, cho thấy nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung tại G20 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nhiều khác biệt như hiện tại. Nước chủ nhà cũng dường như hy vọng sự đồng thuận trên sẽ truyền cảm hứng cho nhiều vấn đề khác tại hội nghị lần này.
Một sáng kiến quan trọng nữa do Brazil thúc đẩy đó là đề xuất áp dụng thu thuế 2% đối với những người "siêu giàu", mặc dù trong tuyên bố chung vấn đề này không đạt được kết quả cụ thể nhưng đã đặt tiền đề để thúc đẩy việc xây dựng các chính sách thu thuế đối với những người có nhiều tài sản trên thế giới, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng về thu nhập trên thế giới. Theo Tổng thống Lula da Silva, khoảng 3.000 người trên thế giới nắm giữ tới gần 15.000 tỷ USD, tương đương GDP của Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Anh cộng lại, và nhiều hơn rất nhiều những gì nhiều quốc gia cần để phát triển.
Với chủ đề bảo vệ môi trường rất được quan tâm, Brazil đã nỗ lực kêu gọi cải thiện cơ chế tài trợ chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh các nước đang phát triển gặp rất nhiều trở ngại để tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù hội nghị G20 năm nay chưa đưa ra những cam kết rõ ràng về các nguồn tài trợ nhằm tăng cường khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên Brazil đang củng cố vai trò đi đầu thế giới trong vấn đề biến đổi khí hậu khi nước này đã ghi nhận tỷ lệ phá rừng Amazon đã xuống tới mức thấp nhất trong 9 năm gần đây.
Giáo sư Eurico de Lima Figueiredo, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Liên bang Fluminense, nhận định Brazil đã thành công khi nhấn mạnh được sự cần thiết phải xây dựng các chính sách về vấn đề khí hậu hoặc cải cách các tổ chức quốc tế, vì các chủ đề luôn nằm ở trung tâm chương trình nghị sự. Điều này quan trọng đối với các nước Nam Bán cầu vốn đang tìm kiếm một trật tự quốc tế mang tính đại diện hơn.
Một dấu ấn quan trọng khác của Brazil trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 đó là nỗ lực củng cố vị thế, tiếng nói chung của các quốc gia Nam Bán cầu. Với vai trò là thành viên Nhóm BRICS, Brazil đại diện các quốc gia Nam Bán cầu đã lên tiếng kêu gọi cải cách thể chế quản trị toàn cầu với sự tham gia rộng lớn hơn của các nước đang nỗ lực tìm kiếm một trật tự quốc tế mang tính đại diện hơn, hướng tới một thế giới đa cực. Trong 4 năm gần đây, 4 quốc gia gồm Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi luân phiên giữ chức Chủ tịch G20 là một cơ hội vàng để nhấn mạnh vai trò và sự đóng góp của các nước Nam Bán cầu.
Trong các tổ chức đa phương có tầm ảnh hưởng hàng đầu, với quy mô 60% dân số thế giới, G20 không chỉ là nhóm các nền kinh tế lớn nhất, quy tụ 80% GDP thế giới và chiếm 75% xuất khẩu, mà còn là một nguồn lực trọng yếu, có tác động tới cả thế giới. Đây cũng là diễn đàn chính trị và kinh tế có khả năng tác động và ảnh hưởng nhất đến các chương trình nghị sự quốc tế. Năm 2025, Nam Phi đảm nhiệm chức Chủ tịch G20, đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia châu Phi gánh vác vai trò này. Nam Phi sẽ thúc đẩy 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ G20 năm 2025 bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện, công nghiệp hóa, việc làm và bất bình đẳng; an ninh lương thực; cùng với trí tuệ nhân tạo và đổi mới để phát triển bền vững. Hy vọng rằng tiếp nối những nỗ lực và thành quả mà chính quyền Brazil đã làm được trong năm qua, Nam Phi và G20 sẽ tiếp tục đóng góp nhiều sáng kiến giải quyết những thách thức của thế giới.